Dậy sớm một chút và bạn sẽ có thêm thời gian cho riêng mình. Nếu một buổi sáng thay đổi, cả ngày sẽ thay đổi. Nếu có thể dậy sớm hàng ngày, cuộc đời sẽ thay đổi.

[Ngày 12] Nơi xa xôi trên đỉnh ngọn núi – Những Ngày Bình Thường
Mấy năm nay mình vẫn có thói quen dậy từ 4h30 sáng, ngồi thiền – biết – ơn đôi ba phút, rồi dậy làm việc. Thói quen này bắt đầu khi có con, vì nếu thời gian ngủ sâu của mình trùng với thời gian ngủ sâu của con, thì mình vẫn có thể thức dậy và dỗ con ngủ giữa đêm mà không bị quá mệt trong ngày. Nếu bạn cũng đang chăm con nhỏ, chắc hẳn bạn sẽ đồng cảm với mình, vì đa số các em bé sẽ ngủ ngon từ 9h cho tới 3h sáng. Và sau khi một vài chu kỳ ngủ sâu kết thúc, thì bé sẽ bắt đầu dậy ọ ẹ, tìm mẹ, đòi mẹ bồng, hoặc tệ hơn là khóc ré lên cho đến 5h sáng mới ngủ ngon trở lại. Cho nên, dấu hiệu điển hình của một bà mẹ đang chăm con nhỏ chính là hai con mắt bầm đen vì thiếu ngủ.
Như nhóc Kem nhà mình thì, tầm 3h trở đi, con sẽ hỏi “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?” vài lần hoặc là nói mớ với đủ thứ nội dung, và mình phải xoa lưng dỗ dỗ “Mẹ đây, mẹ đây con” thì con mới ngủ lại được. Mấy nội dung nói mớ của con đôi khi khiến mình đang buồn ngủ cũng phải bật cười. Ví dụ như: “Mình đi công viên hả ba?”, “Ăn chuối, ăn chuối!”, “Xe bê tông”. Hoặc là đôi khi mấy câu nói mớ của con khiến mình tự vấn lại là mình đã làm mẹ đủ tốt chưa, ví dụ như “Mẹ đừng đánh con nghe mẹ”, khi tối hôm trước mình khẽ tay con một cái vì con dùng cả hai bàn tay bấu lên mặt mình, nghe rát cả hai má. Mình chủ trương là không bao giờ đánh con mà chỉ dùng lí lẽ thuyết phục nó, nhưng đôi khi cũng không thể kìm nổi cơn nổi cáu. Nói tóm lại là, tốt nhất là nên ngủ ngon trước 3h sáng, vì sau giờ đó chắc chắn con sẽ đánh thức mình dậy.
Hồi chưa có con, mình thức khuya ghê lắm. Thường thì tầm 12h hoặc 1h sáng mình mới đi ngủ. Có khi mình thức tới 3h sáng để cày phim Hàn Quốc, hoặc là chơi game SimCity, ngồi nhiều tiếng liền để chờ mấy cái nhà máy sản xuất xong mấy cục sắt thép nguyên liệu, sau đó bỏ vô mấy cái nhà máy khác để sản xuất thứ tiếp theo. Hoặc là vài năm trước thì mình bắt đầu coi mấy cái video short một cách không kiểm soát. Mấy thứ này thực sự gây nghiện luôn. Nhờ có con mà mình từ bỏ được mấy sở thích thức tới sáng như thế này. Sự xuất hiện của đứa con giúp mẹ nó sống lành mạnh hơn nhiều.

Tuy nhiên, dạo này thì vì đi ngủ sớm, nên giờ thức dậy của mình càng lúc càng sớm hơn. Như hôm qua, anh chồng nói là mình bị “trời đày”, khi đêm chỉ ngủ tầm 5, 6 tiếng rồi tự dậy luôn không cần báo thức, trong khi hai ba con vẫn ngủ ngon tới 7h chưa muốn dậy. Vấn đề là, mình bắt đầu ngủ từ tầm 9h30 tối, cho nên mình thức dậy vào 3h30 sáng. Hay như hôm qua, khi mình bắt đầu ngủ lúc 9h tối, thì tới 1h30 sáng, mình tự bật dậy tỉnh queo luôn không thể ngủ lại được. Nằm thao thức tới 3h sáng, mình quyết định dậy làm việc luôn rồi 6h ngủ lại một chút, trước khi kêu hai ba con dậy đi học.
Mình làm biếng lắm nên vẫn thích ngủ nhiều hơn chớ. Hồi chưa có con, có khi mình ngủ tới 8 9h sáng mới dậy lận. Tự nhiên tỉnh queo vào cái thời điểm mà cả thế giới còn ngủ, ông mặt trời chưa mọc, con gà chưa gáy như thế này cũng khiến mình hơi hoang mang, khi không biết như vậy có ổn không. Nên mình có lên YouTube tìm hiểu một chút. Và sau đó khá yên tâm, sau khi nghe chương 1 của cuốn sách “Ngủ ít vẫn khỏe” trên Fonos, và bài giảng của thầy Sadhguru bên Ấn Độ về chủ đề chất lượng giấc ngủ. Vì bản thân không cố tình ngủ ít đi mà chỉ là cơ thể đang tự điều chỉnh để giấc ngủ ngắn hơn, nên mình tập trung hiểu các khía cạnh về mặt sinh học để “ngủ ngắn vẫn khỏe” trong bài viết này.
Cuốn sách “Ngủ ít vẫn khỏe” hướng dẫn cách luyện tập để trở thành “người ngủ ngắn”, để tổng thời gian dành cho việc ngủ ngắn hơn nhưng vẫn giữ được chất lượng giấc ngủ, và đạt tối đa hiệu suất trong ngày. Chắc bạn không để ý, nhưng chúng ta đang lãng phí rất nhiều thời gian trước khi bước vào giấc ngủ, ví dụ như bấm điện thoại hoặc suy nghĩ đủ thứ chuyện không giải quyết được ngay thời điểm đó. Và cố gắng ngủ nướng thêm khá lâu nữa sau thời điểm thức dậy. Cho nên, việc ngủ ngắn hơn có thể bắt đầu bằng việc ngưng lãng phí khoảng thời gian trước và sau giấc ngủ: tạo môi trường phù hợp cho giấc ngủ sâu, đi thẳng ngay vào giấc ngủ sau khi nằm xuống giường, tăng cường thời gian ngủ sâu để bộ não và cơ thể được phục hồi, và dậy ngay sau khi mở mắt chứ không nằm nướng nữa. Bên cạnh đó, áp dụng các kỹ thuật ngủ ngắn tạm thời trong ngày nếu cần thiết. Nếu một buổi sáng thay đổi, cả ngày sẽ thay đổi. Nếu có thể dậy sớm hàng ngày, cuộc đời sẽ thay đổi. Hôm qua mình đã nghe chương 1 tại đây, chưa biết phần sau như thế nào, khi nào đọc xong cuốn này mình sẽ review ở một bài khác nhé.

Còn về bài giảng của thầy Sadhguru về giảm thời gian ngủ và tăng cường chất lượng giấc ngủ, thì có nội dung mấu chốt là: cần để cho cơ thể nghỉ ngơi, quan trọng là sự nghỉ ngơi chứ không phải là giấc ngủ. Bản chất của cơ thể không cần phải ngủ quá nhiều, vì giấc ngủ có thể được thay thế bằng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn một cách có ý thức trong suốt thời gian con người thức và hoạt động trong ngày. Trong lúc đang đọc những dòng này, cơ thể bạn đang ngồi một cách thư giãn, thoải mái, hay đang gồng lên một cách mệt mỏi? Bạn đang lắng nghe những câu chữ này một cách tập trung, hay đầu óc đang lan man với những suy nghĩ bộn bề khác trong ngày? Hãy tạo ra một chất lượng cuộc sống tốt hơn và đừng để đầu óc quá căng thẳng. Nếu cơ thể quá căng thẳng, thì dù bạn ngủ bao nhiêu tiếng trong ngày, cơ thể bạn vẫn không thể khoẻ mạnh được. Thả lỏng ra, và thư giãn khi bạn làm tất cả mọi điều trong ngày. Hãy ngồi làm việc một cách thư giãn, ăn uống một cách thư giãn, đi đứng một cách thư giãn. Nếu để cơ thể quá căng thẳng thì chắc chắn nó sẽ gặp bệnh tật, và sẽ chết. Tóm lại là, nếu bạn sống tốt, bạn sẽ ngủ ngon, và không cần phải ngủ quá nhiều.
Nghe mấy bài này xong, mình ngộ ra rất nhiều nguyên nhân khiến mình không cần phải ngủ nhiều nữa mà vẫn thấy khỏe khoắn trong ngày. Dạo này mỗi thứ của mình đều vừa đủ, cân bằng và thư giãn, không quá căng thẳng, không mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị ngủ và thức dậy. Và khoảng thời gian ngủ tuy ngắn nhưng cũng đủ 3 chu kỳ liên tục tối thiểu cần thiết cho giấc ngủ của một người lớn.

Đầu tiên là, việc tạo môi trường ngủ cho con đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để mình đi vào giấc ngủ sâu nhanh chóng. ví dụ như áp dụng mấy câu dẫn thiền vào giờ kể chuyện trước khi đi ngủ cho con, bật điều hoà 28 độ, quần áo đủ mềm và thoáng, kèm theo mấy bài hát ru nhẹ nhàng không chỉ giúp con ngủ sớm, mà chính bản thân mình cũng ngủ sớm luôn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về môi trường ngủ và cách để con ngủ ngon trong bộ sách “Nuôi con không phải cuộc chiến”. Vì mình làm việc tự do nên không hút sữa ra trữ như mấy bà mẹ bỉm sữa cần phải đi làm trở lại, thành ra mình đọc xong cũng chỉ áp dụng được phần sắp xếp giờ ngủ hợp lý cho con thôi hà.
Thứ hai là, việc từ bỏ mạng xã hội. Từ hồi đọc cuốn “Làm việc sâu”, mình xoá tất cả các ứng dụng điện thoại có thể gây mất tập trung như Facebook, YouTube, TikTok. Mình mới cài lại mạng xã hội hôm qua vì cần nó cho công việc. Nên mình cũng bỏ hẳn được thói quen bấm điện thoại sau khi ru con ngủ. Có nhiều hôm, hát xong mười mấy lần bài “Mẹ ơi có biết” để ru con (bài hát mà mấy tháng nay Kem đang rất thích), thì Kem chưa ngủ, mình đã ngủ quên trước rồi. Khoảng thời gian lãng phí ở bước chuẩn bị đi ngủ biến mất, và mình đi thẳng vào giấc ngủ sâu, ngủ thật ngon đến khi thức dậy luôn.

Thứ ba là, sự thay đổi tích cực của con. Dạo này thằng nhóc con cũng đã bắt đầu có thể tự ngủ và ngủ sớm hơn rồi, chứ không còn cần phải ru nhiều như trước nữa (dù hơi trằn trọc một chút). Những năm 10 tuổi, thành công đối với mình là giải thưởng thành phố quốc gia này nọ. Những năm 20 tuổi, thành công là tìm được công việc trong mơ. Còn năm 30 tuổi thì, thành công vượt bậc là xi tè cho con đúng nơi đúng chỗ, và dỗ con ngủ xong xuôi trước 9h tối.
Dạo này hai vợ chồng mình cũng đã rèn con vào kỷ luật thành công, khi thuyết phục con chỉ được để đồ chơi ở phòng đồ chơi, không mang vào phòng ngủ nữa, nên con cũng dễ đi vào giấc ngủ hơn đợt trước. Ấy vậy chớ hai đứa mình cũng không thể không mềm lòng khi con đòi dẫn bạn voi ma mút mà ông ngoại mới cho con hôm trước vào ngủ cùng, vì bạn voi buồn ngủ quá buồn ngủ quá. Bạn voi nhỏ xíu xìu xiu lấy từ quả trứng xinh sắc màu này được con đặt vào giữa cái dây cột tóc của mình, rồi đặt phía trên gối của con. Con nói: “Đây là giường của bạn voi nè mẹ”. Con còn chúc bạn voi ngủ ngon rồi mới đi ngủ. Quy trình chúc ngủ ngon với những voi và những dây cột tóc này mất khoảng nửa tiếng sau khi tắt đèn. Thôi kệ, một bạn voi này vẫn ổn hơn đợt con chúc cả chục bạn xe ô tô ngủ ngon, và giường của những xe ô tô đủ thể loại từ xe xúc tới xe bê tông và xe đầu kéo chính là cái gối của mình. Xe chật kín cái gối nên tối nào cũng phải đợi con ngủ xong, mình mới giải phóng mặt bằng để có chỗ ngủ nè.
Và nửa tiếng sau đó nữa là thời gian con ôn bài trong ngày, khi con ê a đủ thứ. Một, hai, ba, bốn, eight, nine, ten. Halloween, pumpkin. Bên trái là ba nè, ba là daddy. Bên phải là mẹ, mẹ là mommy. Còn đây là bấy bì (nhấn mạnh kèm theo lên giọng xuống giọng các kiểu). Ông già noel già chi mà già dễ sợ, ông cho quà cho thiếu nhi. Ngày mai Kem sẽ được tặng quà. Quà trong cái tất to đùng màu xanh lá cây. Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này. Đây là cái kéo nè, cái kéo cắt cái bao. Rainbow baby truck là cái gì ba? (vừa nói vừa ráng khều ba dậy). Blah blah blah. Con tự nói chuyện cả một buổi, trong khi ba mẹ vừa giả vờ ngủ vừa nín cười.

À mình lại lan man nữa rồi, thôi mình sẽ kể về con trong một bài khác nhé. Quay lại chuyện ngủ ít vẫn khỏe nè.
Thứ tư là, việc giảm bớt kỳ vọng vào chuyện dậy sớm. Dạo này mình vẫn dậy sớm để làm việc, nhưng không đặt đồng hồ báo thức quá sớm nữa, mà đặt vào lúc 6h45, đủ để chuẩn bị soạn đồ bỏ vào cặp cho con đi học. Vì mình đâu biết được con sẽ quyết định đi ngủ lúc mấy giờ, nên việc đặt báo thức quá sớm sẽ gây ra căng thẳng cho ngày hôm sau. Việc cơ thể đủ khỏe và dậy sớm trước giờ báo thức, nó cũng thú vị hơn là chuông reng mấy lần mà cơn thèm ngủ vẫn còn chứ nhỉ?
Thứ năm là, việc từ bỏ chuyện kết nối với khách hàng và xử lý đơn hàng vào ban đêm. Đi cùng với việc công việc không quá căng thẳng như dạo trước, mình đã từ bỏ hẳn chuyện làm việc sau 9h tối. Điều này đồng nghĩa với việc, mình đã từ bỏ việc kiếm thêm khách hàng vào thời gian khách hàng online nhiều nhất, và dễ nhận được dự án mới hơn. Dạo trước thì bên cạnh thời gian xử lý đơn hàng, cứ 4 tiếng mình lại kiểm tra tin nhắn và theo dõi đơn hàng một lần, chỉ trừ giờ ngủ. Và điều này đồng nghĩa với việc sau khi mệt phờ vì ru con, thì mình phải ráng thoát khỏi sự quyến rũ của cái nệm để bật dậy làm việc tới 12h đêm cho dù rất là buồn ngủ. Thực ra thì, mình dư biết là, nếu một đơn hàng phát sinh vào lúc 9h tối, thì cũng đồng nghĩa với việc mình phải thức đêm trong khoảng tối thiểu 2 tuần sau đó. Nên lâu dần sức khoẻ sẽ đi xuống và công việc của ban ngày cũng không hiệu quả nữa vì đầu óc không tỉnh táo. Từ bỏ một chút và làm việc trong lúc đầu óc tỉnh táo nhất là lựa chọn trong thời điểm hiện tại của mình. Việc từ bỏ này vô tình lại dẫn mình đến một khung giờ khác thích hợp hơn để tương tác với khách hàng, đó là từ 3h tới 5h sáng. Đôi khi từ bỏ lại dẫn đến thành công theo một hướng tích cực và cân bằng hơn.

Thứ sáu là, việc cơ thể được vận động đủ nhiều. Việc dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn xen kẽ với các khung giờ làm việc cũng khiến đầu óc được giãn ra, đồng thời tay chân đủ mỏi để có thể đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Dạo trước mình có thử thuê người giúp việc dọn dẹp và nấu ăn để tập trung làm việc, nhưng thấy cũng hơi bất cập khi bữa cơm nhà nó không có mùi vị của cơm nhà do mình nấu nữa, hoặc là đồ đạc không để ở chỗ mình muốn. Dạo này thì mình khá vui với việc tự nấu cơm, bánh xèo, cà ri, mỳ Quảng. Mình cũng đang muốn Danshari để tinh gọn lại đồ đạc trong nhà một chút, có thể mình sẽ thuê người giúp việc theo giờ khi nào quá trình này kết thúc. Chắc sẽ hơi lâu vì mỗi ngày còn quá trời thứ phải làm nữa. Vì cơ thể vận động đủ nhiều chứ không ngồi máy tính quá lâu như trước, nên tuy chỉ ngủ vài tiếng nhưng mình cảm thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh chứ không như hồi còn chạy deadline tới khuya, 12h đêm mới đi ngủ và ngủ đến tận 7 8h sáng mà người vẫn thấy mỏi nhừ.
Kết quả là , nói như cuốn “Ngủ ít vẫn khỏe”, là chất lượng giấc ngủ sâu nhưng ngắn của mình là 5 tiếng x 70 điểm = 350 điểm, tương đương với giấc ngủ 7 tiếng x 50 điểm ở giai đoạn trước khi con còn dậy đêm liên tục, cũng bằng 350 điểm. Cho nên cơ thể tự điều chỉnh giấc ngủ lại ngắn hơn mà cơ thể vẫn thấy khỏe. Còn nói như thầy Sadhguru thì cơ thể mình đã hoàn toàn thanh thản lúc nó thức và hoàn toàn nghỉ ngơi lúc nó ngủ.

Việc dậy sớm và tỉnh táo cho mình vài tiếng đồng hồ được sống cho riêng mình, và làm những việc mang tính “ước mơ”, ví dụ như đọc sách hoặc viết văn. Hôm qua mình nói đùa với anh chồng sau khi ảnh nói mình bị trời đày, là biết đâu nhờ tự nhiên dậy quá sớm mà mình trở thành nhà văn. Thời điểm gần sáng, hàng trăm ý tưởng tuôn trào trong đầu đánh thức mình dậy. Và đây là khoảng thời gian lý tưởng cho việc viết lách, khi mình có thể ngồi lại với mình và những nghĩ suy. Thú thực thì, mình không thể viết được trong ngày, khi mà mọi thứ khá xáo trộn với đủ thứ tác động từ bốn bề xung quanh khiến mình không đủ tĩnh tâm để ngồi viết. Bài viết mà bạn đang đọc được bắt đầu viết vào 2h30, và hoàn thành vào lúc 4h30 sáng.
Việc thức trong khung giờ từ 3h tới 5h sáng cũng trùng với khung giờ khách hàng hay liên lạc, nên công việc cũng thuận lợi hơn và thường được giải quyết dứt điểm trong khung giờ đó. Khung giờ này các designer mình làm việc cùng cũng đang thức nên mọi việc được trao đổi cũng khá dễ dàng. Trong ngày thì mình có nhiều thời gian cho việc sống cân bằng, như ăn sáng, uống cà phê một chút, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Buổi chiều thì lên trường đón con, rồi chơi với con ở bãi cát trong sân trường, ngồi xích đu ngắm mặt trời lặn một chút trước khi về nhà và cho con ăn tối. Buổi tối cả nhà ăn xong, thì có thể cho con về thăm ông bà, hoặc đi siêu thị để mua trái cây và chuẩn bị đồ nấu cho bữa ăn ngày hôm sau, rồi ra công viên đi dạo. Mỗi ngày trôi qua thật cân bằng và thong thả, và mình không còn thấy bực mình vì không có đủ thời gian làm những thứ cần thiết trong ngày nữa.

À mà mình tìm hiểu mấy lý thuyết về giấc ngủ như trên, chỉ là để xác nhận là việc ngủ vài tiếng sẽ không có hại thôi, chứ mình không kỳ vọng gì vào việc mình sẽ ngủ ít lại, hay là thức dậy quá sớm đâu. Đâu phải ngày nào thằng nhóc con cũng ngủ sớm và ngủ ngon. Mình đặt đồng hồ 6h45, nhưng ngày nào mệt thì vẫn tắt báo thức và ngủ tiếp. Có vài ngày thằng nhóc con sốt siêu vi và cả nhà ngủ đến 8h sáng mới dậy vì ban đêm con nghẹt mũi nên dậy cả chục lần. Dạo này con mình khá dễ tính nên tầm 9h là đi ngủ. Nhưng trước đó không lâu, có những giai đoạn con sẽ quá vui vẻ để đi ngủ, nên 11h đêm mới bắt đầu vào giấc, và lúc đó thì cả nhà đều mệt phờ cả rồi. Những ngày như vậy chắc chắn mình sẽ không dậy trước 6h sáng hôm sau. Không kỳ vọng đôi khi lại dễ đạt kết quả hơn, nhất là khi bạn đang chăm con nhỏ. Việc cố gắng quá đôi khi sẽ chẳng mang lại kết quả gì cả mà chỉ mang lại cảm giác thất vọng, vì những gì mình làm được không đủ nhiều như mình muốn. Nỗi thất vọng sẽ dẫn bạn tới cáu gắt, và đối tượng lãnh đủ đầu tiên sẽ là chồng và con bạn. Hãy đi ngủ khi đã buồn ngủ, và thức dậy khi thấy đủ khỏe khoắn để bắt đầu một ngày mới. Và tận hưởng một ngày cân bằng cùng với những người thân yêu của mình.
Chúc các bạn có một đêm ngon giấc sau khi đọc bài viết này. Bắt đầu bằng việc đặt chiếc điện thoại xuống, hít thở sâu và ngưng mọi suy nghĩ lại. Nếu có thể, hãy nghĩ về mặt trời, mặt trăng và những vì sao. Những bông hoa hay những giọt mưa tí tách rơi vào những ngày đầu đông. Hay là nụ cười trẻ thơ mà bạn tình cờ thấy ở một trường mẫu giáo nào đó. Đừng nghĩ về những dự án còn đang dang dở, những con người vô tình làm đầu óc bạn vướng bận hôm nay, hay là những cái deadline. Hãy tắt hết những suy nghĩ đó đi và ngắt kết nối với thế giới trước khi bước vào phòng ngủ. Và rồi bạn sẽ ngủ ngon. Chúc bạn một ngày bình yên và một đêm an lành.
