
[Ngày 12] Nơi xa xôi trên đỉnh ngọn núi – Những Ngày Bình Thường
Hôm nay mình quyết định thay đổi địa điểm viết lách một chút, và, thư viện thẳng tiến.
Trên đường đến đây, cơn mưa rả rích từ ngày hôm qua vẫn chưa dứt. Bầu trời đông đặc một màu trắng nhờ, báo hiệu cơn mưa này có lẽ còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa. Dòng sông Hàn nước đang dâng cao và phủ màu nâu thẫm của bùn đất. Núi Sơn Trà sáng nay vẫn còn đắp một chiếc mền mây dày và ấm, nên không thể thức dậy nổi giữa một ngày trời ảm đạm như thế này. Vào những ngày núi trùm kín mền mây như hôm nay mà lên núi, thì mình sẽ được đi bộ trong sương thích lắm nè. Từng làn gió mát lạnh mang theo đám mây sẽ ùa vào đôi bàn tay và kẽ mắt. Nhưng mà hôm nay thì mình bận viết lách rồi, nên hẹn Sơn Trà một ngày nhiều mây sau này nhé.
Cũng bẵng qua gần 3 năm rồi, mình mới quay lại thư viện đây. Ba năm trước, vào một ngày cuối đông, hai vợ chồng cùng tung tăng đi làm thẻ thư viện. Lúc đó, trời lạnh hơn bây giờ nhiều. Đó là lúc mình cầm trên tay cuốn “Zero to One” (Không tới Một), với khí thế khởi nghiệp đang dâng cao ngút trời. Hai vợ chồng lúc đó đang đạt được chuỗi ba ngày liên tiếp ban ngày làm việc tối lên thư viện đọc sách, thì đùng một cái, tối ngày thứ tư, mình bắt đầu nghe … con đạp trong bụng. Ngày thứ năm thì mình lên bệnh viện khám thai, và phát hiện ra con đã được 5 tháng rưỡi rồi. Trước đó hai vợ chồng không hề biết về sự có mặt của con, vì thai kỳ trôi qua quá nửa mà mình chưa có lần ốm nghén nào, trừ cái lần mình uống trà sữa và buồn nôn nguyên ngày hôm đó lúc đầu thai kỳ nên bỏ hẳn món trà sữa. Chắc hẳn con mình sau này sẽ ăn uống rất lành mạnh.

À, quay lại chuyện đọc sách đi, mình lại lan man rồi. Cái ngày mình phát hiện ra tụi mình có con, chuỗi ngày lên thư viện và cố gắng phát triển sự nghiệp của mình cũng được đình lại vô thời hạn. Chồng sách khởi nghiệp nay đã được thay bằng chồng sách thai giáo và nuôi dạy con khi con 1 tuổi. Và sau này là chồng sách Ehon lúc con đã ra đời. Mình chỉ thực sự quay lại đọc những cuốn mình muốn đọc từ ngày trường mầm non mở cửa trở lại sau Covid, chắc được tầm nửa năm đổ lại thôi.
Rất may là, mình cũng đã dành nhiều năm để phát triển công việc trước đó, nên lúc có con, công việc đình lại chút cũng chẳng sao. Dù sao thì, vì mình hoàn toàn chủ động trong công việc, nên việc mình có làm hay không làm cũng không ảnh hưởng tới ai. Sau khi luyện sách thai giáo và nuôi con trong 2 tháng, thì tới tháng cuối thai kỳ, vì quá buồn chán với việc ăn và ngủ nên mình lại làm việc trở lại, và làm xong cái website của mình kịp thời trước khi sinh. À nói vậy chứ cũng không căng thẳng gì, mình chỉ làm 2 3 tiếng một ngày thôi hà. Coi như thai giáo cho con bằng stress tích cực của mẹ. Mẹ luyện tập sáng tạo thì con cũng sẽ sáng tạo.
Khoảng thời gian đọc sách thai giáo và chờ đón con là những ngày mà mình và cả gia đình hai bên đều vui như tết, vì trông chờ đứa cháu đầu tiên của gia đình. Và con ra đời cũng thật vui vẻ, khi con chẳng khóc bao giờ, còn lúc ngủ thì hay bật cười thành tiếng. Trong những tháng cuối mang thai con, chắc nhờ năng lượng tích cực của con nên mình có rất nhiều ý tưởng truyện thiếu nhi. Sau này chắc chắn mình sẽ viết lại và in sách tặng con, để kỷ niệm những tháng ngày đáng nhớ đó, khi con còn ở trong bụng mình.
Lúc trước khi có con, mình từng tham gia thiết kế nhiều sản phẩm và sách vở dành cho thiếu nhi, nhưng lúc đó, mình chưa thực sự hiểu được một đứa bé sẽ cần gì và thích gì. Thường thì mình sẽ cố gắng nhồi nhét chi tiết thật nhiều để thể hiện hết ý của tác giả, và tổng thể thiết kế nhìn khá phức tạp. Có con rồi, ngồi lại đọc sách cùng con, mình mới nhận ra rằng những cuốn con thích nhất, và nhờ mẹ đọc đi đọc lại mười mấy lần lại có nét vẽ rất đơn giản, và nội dung có thể nói là … hầu như không có nội dung gì. Nói chung là, những thứ con thích lại trái ngược với những thứ mình từng cố gắng làm. Có lẽ là, cần phải quay về làm một đứa trẻ, và suy nghĩ như một đứa trẻ, từ bỏ hết những gì mà não trái mang lại như định kiến, giới hạn, khoảng cách, logic, phán xét đúng sai, thì mình mới có thể thực sự sáng tác ra những câu chuyện hấp dẫn đối với trẻ con. Mình sẽ suy nghĩ thật kỹ để đem lại một trải nghiệm tốt với cuốn sách mà mình sắp làm, để đảm bảo là con sẽ thích cuốn sách mà mình làm riêng cho con.

Dạo này thì mình đang làm một dự án cá nhân khác nữa: sách tô màu dành cho người lớn, với chủ đề thú cưng và tự chữa lành – thiền định. Mình đã lên ý tưởng xong rồi, giờ đang tìm hiểu công cụ để thực hiện bước lên nét một cách tự động. Ở các dự án trước, mình sẽ vẽ máy lại sau khi lên ý tưởng, nhưng đối với dự án này, mình đang tìm hiểu thử xem mình có thể dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để vẽ 100% được hay không. Nếu thành công, cuốn sách này sẽ mang đến một trải nghiệm rất độc đáo đối với người dùng.
Cách đây 4 5 năm, mình có nghe mọi người nhắc nhiều về trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng của nó trong các công việc sáng tạo như vẽ vời, viết lách, viết kịch bản phim và thậm chí dựng cả phim. Hồi đó mình cũng tò mò và hơi lo ngại là AI sẽ chiếm lấy công việc của mình trong tương lai, nên cũng ra nhà sách để mua 4, 5 quyển về đề tài AI để đọc thử. Bẵng qua một thời gian và mình quên đi vụ này, thì tuần rồi, mình đọc được tin một tác phẩm tranh vẽ thực hiện bởi AI của Jason Allen đã thắng giải nhất trong một triển lãm tranh tại Mỹ. Tin này được chia sẻ nhiều nhất bởi các bạn đang làm nghề vẽ, nên mình cũng tò mò tìm hiểu trở lại về công nghệ AI hiện tại, và phát hiện ra rằng AI hiện tại đã có chi phí rất rẻ trong tầm tay, và rất dễ sử dụng, ngay cả đối với người không rành công nghệ. Có lẽ giai đoạn hớt váng sữa đã qua, và bây giờ là giai đoạn người ta bán các sản phẩm AI cho người dùng đại trà như mình. Mọi thứ giờ đây thật là dễ dàng. Vẽ vời thì có Mid Journey, bạn chỉ cần tưởng tượng ra khung cảnh muốn vẽ một cách thật chi tiết, và nhập từ khoá vào để mô tả khung cảnh đó bằng ngôn từ, AI sẽ vẽ ra cho bạn một bức tranh hoàn chỉnh chỉ trong một nốt nhạc. Về giọng nói thì có Vbee, FPT AI, Zalo AI, với vài chục giọng đọc khác nhau từ Nam chí Bắc, với độ chân thực và biểu cảm đa dạng đáng kinh ngạc. Về làm web thì có Wix, bạn chỉ cần nhập vài từ khóa mô tả bạn là ai, style bạn thích là gì, bạn làm web với mục đích gì, thì Wix sẽ tự động tạo ra cho bạn một trang web thực sự chuyên nghiệp. Còn rất nhiều nền tảng hỗ trợ viết blog nữa, bạn chỉ cần nhập từ khoá vào, trang web sẽ tự động viết cho bạn các bài blog với nội dung đầy đủ thông tin và hữu ích. Về cơ bản, AI sẽ xoá bỏ rất nhiều công việc sáng tạo trong tương lai, như người vẽ minh hoạ, người thiết kế web, người thu âm giọng đọc. Nếu nhu cầu công việc đơn giản và không cần tuỳ biến nhiều, thì mọi thứ đắt đỏ và mất nhiều thời gian trước đây hiện đã ở trong tầm tay bạn, với chỉ vài cú gõ bàn phím và click chuột.
Có thể bạn không để ý, nhưng hầu hết các hình minh hoạ và giọng đọc trong podcast mình đang làm đều sử dụng AI để thực hiện. Mình chỉ viết nội dung thôi.

Sau khi luyện xong mấy cuốn sách về AI vài năm về trước, thì mình rút ra một kết luận rất chủ quan: AI cơ bản là thiếu hai thứ rất quan trọng, một là TÍNH NGƯỜI, và hai là sự thiếu sót một cách tự nhiên của con người.
Mình có niềm tin rằng, dù công nghệ làm được mọi thứ, thì con người vẫn có nhu cầu giữ kết nối với những tác giả là con người, tác phẩm do con người tạo nên, với tâm hồn và tính cách riêng của họ. Trong khi đó, AI là trí tuệ tập thể nên rất khó để một AI có thể tự tùy biến nên tính cách riêng của mình, và giữ được chất riêng đó trong tất cả các sáng tạo phức tạp. AI sẽ không thể viết được các đoạn tùy bút dài dòng và lan man, nhưng lại cuốn hút như trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân. Hoặc là AI sẽ không viết được câu chuyện nhẹ nhàng mà buồn day dứt như “Rừng Nauy” của Murakami.
AI sẽ học mọi thứ để làm cho kết quả hiển thị hoàn chỉnh nhất có thể qua nhiều lần thử sai – làm lại và tự cải thiện từ các thao tác trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, mỗi con người đều mang sự thiếu sót tiềm ẩn trong bản thân mình, và đồng thời cũng thể hiện sự thiếu sót rất con người này qua các sáng tạo của họ. Cho nên nếu AI thực hiện mọi thứ quá hoàn hảo, thì tính người cũng đồng thời sẽ biến mất trong những sản phẩm mà chúng tạo ra. Mà con người thì luôn có nhu cầu kết nối với những thứ mang tính người. Cho nên dẫu sao thì, các tác giả và người làm công việc sáng tạo vẫn còn đất dụng võ, miễn là mình biết cách thay đổi để thích ứng kịp thời với sự thay đổi của nhu cầu sáng tạo mà xã hội cần.
Điều này cũng giống như là, trên đời đã tồn tại rất nhiều hình thức sách nói và sách điện tử, nhưng mà mình vẫn thích đọc sách giấy ở thư viện vậy đó. Cảm giác cầm cuốn sách trên tay và ngửi mùi giấy, nó rất khác với việc cầm một thiết bị vô hồn để đọc chữ trên đó. Cảm giác lật từng trang sách với tiếng giấy kêu nghe sột soạt, nó cũng rất khác với cảm giác ngón tay lướt lướt trên màn hình thiết bị điện tử. Cho nên, khi nào mà thư viện và sách giấy vẫn còn tồn tại, thì mình tin rằng con người vẫn cần sự tồn tại của người làm nghề sáng tạo.
Thư viện sáng nay nhẹ nhàng và bình yên như những buổi sáng thứ ba bình thường khác. Mình đang nhìn ngắm những khuôn mặt hết sức tập trung vào màn hình máy tính, hoặc quyển vở trước mặt. Những khuôn mặt tĩnh lặng này hoàn toàn trái ngược với đám chuồn chuồn bay tứ tung, loạn xạ bên ngoài cửa sổ. Có lẽ chiều nay sẽ có một cơn mưa lớn hơn giăng ngang trên bầu trời.
Chúng ta sẽ chờ xem tương lai có gì.
