[Ngày 2] Con thương ba mẹ nhiều lắm

Thật tốt vì mình đã chờ đợi đủ lâu, để khi con hỏi: “Mẹ có thương con nhiều không?” một ngày mười mấy lần, thì mình cũng có đủ thời gian và sự bình tâm để trả lời: “Mẹ thương con nhiều lắm”. Và con cũng cười toe toét đáp lại: “Con thương mẹ nhiều nhiều nhiều”.

[Ngày 12] Nơi xa xôi trên đỉnh ngọn núi Những Ngày Bình Thường

Hít thở thật sâu và mở mắt ra, mình đang đứng trên đỉnh ngọn núi Sơn Trà, bên cạnh thành phố mà mình đang sinh sống trong nhiều năm qua. Và nghĩ suy về những ngọn núi mà mình đã từng đi qua dạo trước.
  1. [Ngày 12] Nơi xa xôi trên đỉnh ngọn núi
  2. [Ngày 11] Hôm nay con đi học có vui không?
  3. [Ngày 10] Về những con sóng
  4. [Ngày 9] Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau
  5. [Ngày 8] Đi dạo giữa hàng cây mái vòm

Nhóc Kem 2 tuổi rưỡi của nhà mình, dạo gần đây, mỗi lần mở mắt thức dậy, là sau khi mở miệng cười toe một cái, sẽ bắt đầu hỏi ba mẹ:

  • Ba ơi, ba có thương con không ba?
  • Mẹ ơi, mẹ có thương con không mẹ?
  • Ba ơi, ba có thương con nhiều nhất không ba?
  • Mẹ ơi, mẹ có thương con nhiều nhất không mẹ?

Và cứ như vậy, bên cạnh một ngàn câu hỏi “vì sao”, thì cứ 5, 10 phút, anh lại đến bên cạnh ba mẹ để thỏ thẻ bằng cái giọng trẻ con nhẹ nhàng tình cảm của anh, và hỏi đi hỏi lại một trăm lần, xong thì ôm mặt ba mẹ thơm lấy thơm để sau khi nghe câu trả lời. 

Và Kem cũng hay lại chỗ ba mẹ để lấy hai tay ôm vào má ba mẹ, rồi nói:

  • Kem thương ba mẹ nhiều nhiều nhiều như thế này nè.

Vừa nói, Kem vừa giơ hai tay thật cao lên trời rồi hạ xuống, động tác giống như người ta tập thể dục buổi sáng. Nếu đang đứng, anh sẽ kiễng chân nhón lên cho cao hơn một chút nữa. Dễ thương không biết cất đâu cho hết.

Nhờ có EQ cao và những câu hỏi yêu thương đúng lúc nên dạo này anh không bị la một chút nào, dù vẫn nghịch ngợm như trước. Câu hỏi của Kem phát huy tác dụng tốt nhất mỗi lần Kem, bằng trực giác cao độ của mình, cảm thấy là anh sắp bị ba mẹ la mỗi lần bày trò nghịch ngợm gì xong, hay là khi ba bắt đầu gọi “Kem!” khi 10h đêm rồi mà anh vẫn chưa chịu đi ngủ. Như sáng nay, Kem thỏ thẻ: “ Ba có thương con không ba?” sau khi tự rót hộp sữa vào ly uống, mà đến nửa hộp sữa đã đổ vung vãi ra hết cả cái bàn ăn. Hay là khi anh lấy miếng băng keo nhét vào mấy ô vuông của máy lọc không khí, rồi sau đó thấy sai sai nên muốn lấy ra lại. Anh lại đến hỏi ba: “Ba có thương con không ba?” rồi nhờ ba khều ra giúp. Miếng băng keo vì bị dính phía trên miệng máy không rơi xuống nên may mắn được lấy ra, chứ chiếc máy lọc khí này không biết đã cất giấu bao nhiêu đồ đạc mà anh bỏ vào trong lúc ba mẹ không để ý nữa đây. Sau này nếu chiếc máy có được mở ra để vệ sinh, ba mẹ chắc hẳn là sẽ thấy nguyên một kho báu.

Tối hôm qua, Kem hỏi: “Ba có thương con không ba?” sau khi nôn ra nguyên một tấm nệm và nửa sàn phòng ngủ, vì cái tội ăn no mà lại nhảy tưng tưng trên nệm. Có con nhỏ thì cần xác định là chuẩn bị thêm 5, 7 tấm ga nệm vì nó sẽ có thể nôn bất cứ lúc nào. Lúc bị ốm con mệt bụng nên nôn không kể đến rồi, lúc con khỏe mà con vui vẻ quá, con vẫn có thể nôn! Ba mẹ đang đứng hình không biết trở tay như thế nào, thì cũng phải nhìn nhau phì cười vì con đặt câu hỏi đúng lúc quá. Một câu hỏi dễ thương được hỏi đúng chỗ có thể xoa dịu được mọi tình huống kinh khủng. Ba mẹ dọn hì hụi cho sạch cái phòng và mùi nôn bay quanh phòng, còn anh thì vẫn không bị la một tiếng nào.

À mà Kem chỉ thỏ thẻ hỏi câu này với ba mẹ. Còn với ông bà, Kem không hề hỏi. Ông bà nghe Kem hỏi ba mẹ nhiều quá, nên cũng thắc mắc hỏi lại Kem là Kem có thương ông bà không. Kem trả lời: “Con thương ông bà một chút xíu xìu xiu!”. Nói rồi, anh giơ bàn tay nhỏ xíu của anh lên, để ngón tay cái và ngón tay trỏ lại gần nhau chỉ chừa ra một ô nhỏ xíu, để thể hiện mức độ “xíu xìu xiu” mà anh muốn mô tả. Nói vậy chứ anh vẫn ôm và vòng tay qua cổ ông bà, vì anh quá đáng yêu nên không ai giận anh nổi. 

Thi thoảng dẫn con đi học, mình sẽ nghe con hỏi cô: “Cô có thương Kem không cô?”. Nghe câu này thì mình khá mừng, vì chứng tỏ là cô giáo trên trường cũng thương và quan tâm con nhiều như ba mẹ ở nhà vậy, thì con mới mở rộng cái phiên bản yêu thương có giới hạn của con một chút ra, để thêm cô vào. Nghĩ vậy, nên mình có thể nở một nụ cười tươi chào tạm biệt con và cô để con vào lớp ăn sáng. 

Trẻ con thay đổi chóng mặt lên được. Mới tuần trước đây thôi, Kem còn thỏ thẻ Kem là “Kem thương yêu của ông bà ngoại” hoặc là “Kem yêu thương của nội”, thì sang tuần này, tình yêu của Kem được nâng cấp lên thành phiên bản giới hạn, khi Kem chỉ thương ba mẹ thôi. Và thi thoảng là thương ba nhiều còn thương mẹ một chút xíu xìu xiu, khi ba đang bồng con. 

Và trẻ con cũng là một sinh vật đơn thuần nhất trên đời. Thương ai nhiều hay ít thì cũng nói ra ngay không cần phải giấu diếm. Nhờ có con mà cả nhà cũng thường nói với nhau những lời yêu thương nhiều hơn. Ví dụ như: ba thương mẹ, mẹ thương Kem, Kem thương ba. Chúng ta có một vòng tròn yêu thương.

Và trong gia đình thì, tình thương sẽ quan trọng hơn tình yêu rất nhiều. Tình yêu là những phút giây mà tình cảm dâng trào lúc mới quen nhau, khi nhắm mắt cũng thấy được ánh mắt của nhau, hoặc khi trong cơn mơ cũng thấy được nụ cười của nhau. Nhưng tình thương thì lớn hơn như vậy, khi dù không gặp nhau vẫn luôn nghĩ về nhau, còn khi gặp nhau sẽ chăm sóc cho nhau rất nhiều. Tình yêu là những đoá hoa vào ngày đầu gặp mặt, còn tình thương sẽ là những bữa cơm cùng nhau, và những giấc ngủ cùng nhau. Bữa cơm và giấc ngủ khi có con nhỏ sẽ hơi lộn xộn hơn lúc chỉ có hai đứa một chút, ví dụ như cơm sẽ rơi vãi khắp nhà khi con nhất quyết tự xúc ăn mà không nhờ ba mẹ hỗ trợ. Còn giấc ngủ sẽ là ba mẹ năn nỉ con đi ngủ khi con còn đang say sưa lắp ráp hoặc sửa chiếc xe lego mà con mới chế tạo ra, và quá hào hứng để đi ngủ. Và đôi khi, ba mẹ bó tay với con nên nằm giả vờ ngủ để con thấy chán quá khi chỉ còn mình mình thức, và tự bò lại nằm trên gối. Quan trọng ở đây là, ba mẹ vẫn cùng nhau, và cùng con. 

Khi có con rồi, mình hiểu được rất nhiều về sự gắn kết của đứa con trong gia đình. Ba mẹ có nhiều việc để làm với nhau hơn, và ông bà có nhiều câu chuyện để nói hơn với ba mẹ, chủ yếu là về cháu. Đa số sẽ là những câu chuyện vui. Từng thứ nho nhỏ mà con làm hàng ngày, bằng sự ngây thơ và đơn thuần nhưng cũng thật thông minh của con đã mang lại những ngày thật vui vẻ và hạnh phúc cho ba mẹ.

Trước khi có con, tụi mình cũng đã trải qua cái giai đoạn gọi là “áp lực con cái” khi lựa chọn có con hơi trễ so với bạn bè để trải nghiệm nhiều điều khác hơn trong cuộc sống. Khoảng thời gian “sống chậm” này mang lại nhiều kinh nghiệm và hài lòng cho cả hai đứa vì đã trải qua nhiều thứ tốt đẹp trước khi đã có con, nhưng đồng thời, tụi mình cũng khá hoang mang khi thường xuyên nhận được những câu hỏi: “Hôm nay có gì vui chưa?” của mọi người xung quanh kể từ lúc kết hôn xong. Theo quan niệm truyền thống, mọi người sẽ cố gắng để sinh một, hai đứa bé ngay sau khi cưới, cho nên, tụi mình sẽ thấy hơi lạc lõng một chút mỗi khi thấy bạn bè cùng lứa đăng hình có tin vui, hoặc hình con cái lên Facebook. Tuy vậy, mình cảm thấy khoảng thời gian trì hoãn mà mình đã có là hoàn toàn cần thiết. Hai người cần phải có một khoảng thời gian làm quen với việc cuộc sống của người này sẽ luôn có sự có mặt của người kia, lối sống riêng của mỗi người giờ đây trở thành lối sống chung, những trách nhiệm riêng bây giờ trở thành trách nhiệm chung, cùng vô số thứ khác nữa. Nếu chưa đủ trì hoãn để thích nghi với hôn nhân, và thích nghi với nhau, cũng như đủ hiểu nhau, thì cú sốc sau khi kết hôn chưa được giải quyết, cú sốc sau khi có con lại tới. Hai cú sốc dồn dập này sẽ đánh bại cuộc hôn nhân của bạn. Vì vậy, chậm lại một chút đôi khi lại an toàn. Nhất là an toàn cho mỗi đứa bé được sinh ra, vì ba mẹ lựa chọn sự có mặt của con cái trong cuộc đời của mình, chứ không phải ngược lại. Cho nên, thời gian trì hoãn này sẽ giúp cho đứa bé luôn có ba mẹ ở bên khi nó đã được sinh ra.

1, 2 năm đầu sau khi kết hôn, mình cũng đã có rất nhiều câu hỏi trong đầu về chuyện con cái. Mình không rõ liệu bản thân có thể thương một đứa bé nhiều hơn bản thân mình, và chăm sóc thật tốt khi nó ra đời không? Hay là, mình có thể chăm sóc cho chồng nhiều như trước khi có con không? Liệu hai vợ chồng có bớt hạnh phúc đi vì phải chăm con và không còn nhiều thời gian cho nhau nữa? Hay là, sự nghiệp của mình có ổn không khi đã có con. Khoảng thời gian làm việc sẽ bị xẻ năm xẻ bảy, để nhường chỗ cho khoảng thời gian chăm sóc con. 

Khoảng thời gian đó mình cũng khá hoang mang kèm theo nỗi bức xúc khó tả mỗi lần nghe người lớn nói chuyện với nhau về việc có con. Kiểu như “Cưới lâu vậy mà chưa có con hả con, đã đi khám ở đâu chưa?” ; “Rứa là không được rồi con ơi” ; “Có con khổ lắm con ơi” (ủa ủa?). Cái áp lực kèm theo các lời khuyên mâu thuẫn nhau này, mình cũng từng nghe cái hồi mình chưa kết hôn, khi họ hỏi: “Quen nhau lâu vậy sao chưa cưới hả con?” và kèm theo bình luận: “Nhìn cô nè, lấy chồng khổ lắm con ơi.” (“Ủa vậy cô lấy chồng chi vậy cô?”, mình thầm nghĩ). Khái niệm có chồng và có con thành ra giống như một sản phẩm không mong muốn nhưng bắt buộc phải có, kiểu như bảo hiểm. Vấn đề là, cái bảo hiểm này thực sự tốt cho bạn, hay nó sẽ thành một cái của nợ kéo dài mười mấy hai chục năm, nhất là khi thu nhập của bạn không chi trả nổi?

Nếu chống đỡ với xã hội được qua thời gian đó thì bạn sẽ bình yên và hài lòng với lựa chọn của mình. Thật ra mọi người chỉ là đang quan tâm nhau, và mật độ dân số của Việt Nam quá đông đảo nên thành ra sự quan tâm được lặp đi lặp lại quá nhiều. Việt Nam hiện tại có hơn 99 triệu dân, đạt ngưỡng 1.24% tổng dân số toàn thế giới. Trong khi đó Mỹ là đất nước rộng gấp gần 30 lần Việt Nam, lại chỉ có tổng số dân nhiều gấp 3 lần Việt Nam thôi. Tức là nếu tính một cách đơn giản, ở Việt Nam, mỗi ngày chúng ta sẽ gặp số người nhiều gấp 10 lần so với ở Mỹ. Chúng ta đang gặp quá nhiều người trong cùng một lúc, vì vậy số câu chào hỏi không thôi cũng đã đủ tạo thành áp lực xã hội rồi.

Mình so sánh số liệu với Mỹ vì đa số các khách hàng mà mình từng tham gia vẽ minh họa trong các dự án sách đều ở Mỹ. Trong đó, có một ông khách hàng mình từng làm việc cùng nhiều năm trong một dự án sách thiếu nhi có liên quan tới chủ đề “Mười Điều Răn” của Thiên Chúa giáo. Ông bác này làm cha xứ tại nhà thờ nơi bác sinh sống vào cuối tuần, còn công việc trong tuần của bác là làm việc tại công ty dịch vụ dọn thảm cho các hộ gia đình. Tuy kết thúc dự án đã lâu, nhưng bác và mình thỉnh thoảng vẫn email với nhau để hỏi thăm sức khoẻ và công việc. Vào năm đó, khi bà cô họ hàng xa nào đó tới nhà và hỏi tại sao mình chưa sinh con, mình tình cờ thấy bác gửi mail hỏi dạo này mình thế nào, nên cũng hỏi thử ở bên Mỹ người ta suy nghĩ như thế nào về việc kết hôn và sinh con. Bác kể là bác cũng khá lớn tuổi rồi, có nhiều con, và có đầy đủ cháu nội cháu ngoại. Có những đứa con của bác thích có con, nên có đến 4 5 đứa con. Có đứa thì quyết định kết hôn xong sẽ nuôi chó thay vì nuôi con. Có đứa thì không kết hôn luôn. Mọi người đều có quyền tự do ý chí để quyết định những chuyện quan trọng trong cuộc đời mình. 

Cho nên, cho dù 10 người mà chúng ta gặp mỗi ngày có thúc ép chúng ta như thế nào, mình mong bạn hãy cho mình một góc riêng, một khoảng thời gian riêng để bình tâm suy nghĩ xem quyết định phù hợp nhất với mình là gì. Đừng vì áp lực quá mà chọn đại một người, rồi chọn sinh đại một đứa con. Sẽ rất buồn cho người chồng, người vợ và người con của bạn nếu lỡ rằng sự lựa chọn vội vàng đó trở thành một sai lầm. 

Bây giờ, sau khi có con, mình đã trả lời được tất cả các câu hỏi mà mình có trước đó. Tất nhiên, không phải câu trả lời nào cũng tốt đẹp, nhưng nó đang tốt đẹp dần hơn qua thời gian con lớn lên. Và rất may là, không có gì trở nên quá tệ. Lấy chồng, hay có con đều không “khổ lắm con ơi” như lời khuyên của những người lớn mà mình từng gặp. Cảm ơn chồng vì đã luôn đi cùng vợ trong những ngày tháng chăm con nhỏ như thế này. Và cảm ơn chồng vì đã chia đôi khoảng thời gian cùng nhau để dành phần thời gian còn lại cho con. Câu trả lời quan trọng thứ hai, có con rồi thì sự nghiệp không tiêu tan, nó chỉ phát triển chậm lại một chút thôi. Đôi khi nó sẽ được hoãn lại đôi chút nếu cần thiết, cũng chẳng sao. Quan trọng là, kỳ vọng về hạnh phúc của mình đã vừa khớp với những gì đã và đang diễn ra. Để hôm nay, khi con hỏi mình câu hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có thương con nhiều không?”, thì mình có đủ thời gian và sự bình thản để nhìn vào mắt con và trả lời rằng:

  • Mẹ thương con nhiều nhất.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s