Hít thở thật sâu và mở mắt ra, mình đang đứng trên đỉnh ngọn núi Sơn Trà, bên cạnh thành phố mà mình đang sinh sống trong nhiều năm qua. Và nghĩ suy về những ngọn núi mà mình đã từng đi qua dạo trước.
Vào những ngày mà đỉnh núi Sơn Trà được phủ bởi một chiếc mền mây, mình sẽ rủ chồng chạy xe lên núi chơi. Từ trường mầm non nơi con mình đang học qua đến đỉnh núi mất khoảng 45 phút đi xe. Dọc đường, mình có thể ghé ngang một tiệm bánh bất kỳ nào đó bên đường để mua hai ổ bánh mỳ ốp la hai trứng nóng hổi, và ghé vào quán cà phê cóc bất kỳ nào đó bên đường để mua hai ly cà phê sữa pha máy mát lạnh, và rồi đem lên đỉnh núi vừa ăn bữa sáng, vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm biển từ một tán cây bất kỳ nào đó trên đỉnh núi.
Đà Nẵng thường nóng bức quanh năm, nhưng cũng có được vài ngày mát mẻ ngắn ngủi đầu xuân. Vào những ngày đỉnh núi có mây, mình sẽ được đi ngang qua đám mây lành lạnh như ở Đà Lạt. Cần gì đi đâu xa, ở ngay thành phố bạn cũng có thể đi săn mây nè. Từng làn gió mát lạnh tấp vào trán, và tấp vào từng kẽ ngón tay khi mình giơ tay ra đón gió trong lúc xe đang chạy. Anh chồng mình, với tính cách cẩn thận kỹ lưỡng thường trực, sẽ dặn mình bỏ tay vô trong xe lại đi không thôi quẹt phải lá cây bây giờ. Hoặc là có con khỉ nào đó đột nhiên nhảy ra bắt tay mình chẳng hạn. Và rằng mấy cảnh giơ tay ra cửa kính xe đón gió như thế này chỉ có ở trong phim thôi, đừng có bắt chước, nguy hiểm lắm. Chấm ba chấm.
Lá cây thì không nguy hiểm cho lắm, cùng lắm thì xước xát một tí. Còn khỉ thì, đúng là trên núi Sơn Trà nhiều khỉ thật. Sau những mùa du lịch, mấy con khỉ được du khách cho ăn nhiều nên mập tròn quay như những chú chó lạp xưởng. Cho dù biển cấm cho khỉ ăn được cắm khắp nơi trên đường lên núi, vì cho khỉ ăn sẽ làm chúng hung dữ, giật đồ của du khách, và mất bản năng tìm thức ăn, thì khỉ vẫn được cho ăn. Thực ra thì cây trên núi trái quả cũng nhiều lắm. Nếu đi sâu hơn lên đỉnh núi, bạn sẽ thấy những gia đình khỉ đầy đủ già trẻ lớn bé ngồi trên ngọn cây nhâm nhi những quả ngọt. Nếu bạn có lên núi Sơn Trà chơi, đừng cho khỉ ăn nhé.
Ở trên đỉnh Bàn Cờ, thi thoảng, sẽ có một con đại bàng to đùng dang rộng đôi cánh lượn qua trên khoảng trời rộng. Và những cánh én nhỏ hơn vút qua vút lại, có lẽ là vì bây giờ là mùa xuân. Và những cánh bươm bướm, cánh chuồn chuồn nhỏ xíu bay trên những bụi cây dại đang nở hoa đủ sắc màu. Dừng xe lại một chút ở đỉnh núi, tụi mình có thể hít thở mùi cây cối và những thảm cỏ xanh. Không khí trên núi loãng và không có mùi của khói bụi nơi thành phố. Nếu đám mây trên núi đủ dày, mình có thể hít thật sâu và hà hơi ra thành một đám khói hình tròn nhỏ như lúc mình lên Sa Pa chơi, dù trời không có lạnh lắm.
Những ngày may mắn, mình sẽ bắt kịp mây sau một chặng đường dài lên núi. Và cũng có những ngày thì lúc mình đến nơi, đám mây đã bay đi chỗ khác rồi và trời nắng chói chang. Cũng có những ngày xui hơn nữa, khi mình đến đỉnh núi, đám mây nhìn trắng trắng dễ thương ấy thì ra là đi kèm theo một cơn mưa. Khi đó tụi mình sẽ nhìn nhau, buông ra mấy câu cảm thán, mở cửa đi ra ngoài một chút rồi la làng “Lạnh quá lạnh quá”, rồi lật đật quay xe xuống núi.
Trong truyện Doremon, Nobita phải nhờ đến bảo bối thần kỳ mới hiểu được đường chân trời nghĩa là gì vì Tokyo quá nhiều tòa nhà chọc trời. Ở Đà Nẵng thì nhìn đường chân trời dễ lắm, chỉ cần lên đỉnh núi. Đứng yên và nhìn quanh một vòng, đường chân trời phủ đầy trong tầm mắt của mình. Bầu trời cách mặt biển bằng một đường liền không đứt nét. Ở đôi chỗ, mặt biển sẽ được thay bằng mặt đất và những ngôi nhà cao tầng. Những ngôi nhà như những chấm trắng nhỏ xíu mà bạn có thể nhìn thấy khi ngồi trên máy bay nhìn xuống. Đôi khi, đường chân trời sẽ chơi trò trốn tìm với bạn. Và tìm cách giấu mình phía sau đám mây. Vậy là, ở nơi mà những đám mây xuất hiện, bầu trời và mặt đất đôi khi sẽ nối liền nhau thành một mảng xanh bất tận.
Sang mùa hè, xác suất để bạn săn mây được ở đỉnh Bàn Cờ là rất thấp, vì trời thường sẽ rất ít mây. Đỉnh núi chói chang. Nhưng dù sao, không khí trên này vẫn dễ chịu hơn là khối khí bị nung nóng trong khối bê tông khổng lồ của những ngôi nhà cao tầng ở dưới phố. Cây cối với đủ thứ màu sắc sẽ phủ kín ngọn núi bằng những mảng đủ màu rực rỡ. Bạn sẽ thấy ở nơi đây nhiều sắc độ khác nhau của màu xanh lá qua những tán cây, và đủ màu xanh đỏ tím vàng của những bông hoa. Có nhiều cây nở hoa trắng cả cây, hoặc là tím cả cây. Mùa hè thật là tươi đẹp.
Mùa thu và mùa đông ở Đà Nẵng thì chỉ có chung một tên gọi: mùa mưa. Mùa này mình không lên núi đâu vì nguy hiểm lắm. Cùng lắm là tụi mình sẽ lên đến chùa Linh Ứng để nhìn biển và đường chân trời một chút rồi quay về. Thỉnh thoảng, mình sẽ thấy những mảng sạt lở lúc nhìn núi Sơn Trà từ phía xa, sau những trận mưa lớn trong mùa mưa.
Đứng trên đỉnh ngọn núi và nhìn quanh bâng quơ, tự dưng mình nhớ tới mẹ. Mình không biết tên của các loài cây trên núi, nên tiếc là mình không thể ghi lại ở đây những cái cây đẹp tuyệt mà mình đã thấy từ góc nhìn hiện tại. Mẹ mình thì khác, mẹ biết tên của từng cái cây một. Cây sưa, cây chò, cây sung, cây vả. Cây gì gì đó nữa phía trước nhà ông bà ngoại, nghe mẹ nói ngày xưa mẹ thường chờ đến mùa quả chín để hái ăn, quả chua thiệt là chua nhưng có vị giống như quả măng cụt, mình nghe mẹ kể mấy lần mà quên mất rồi. Có lần, mình đi xe cùng mẹ lên núi Sơn Trà chơi, mẹ chỉ cho mình cách phân biệt giữa hoa sim và hoa mua, hai loài hoa khá là giống nhau, mọc dại trên núi và ở ven bờ rào mà mình thường thấy trên đường đi bộ gần nhà ngoại. Mẹ kể là ngày xưa, hai loài cây này phủ tím quãng đường đi trên rừng, lúc mẹ lên núi chặt củi gánh về nhà khi mẹ còn nhỏ. Quả sim chín ăn được, còn quả mua không ăn được. Trong lúc mẹ nói, mình đã chụp lại vài tấm ảnh, nhưng lúc về nhà thì quên mất tấm nào là hoa mua, tấm nào là hoa sim rồi. Chắc mình sẽ hỏi lại mẹ vào chuyến lên núi tiếp theo đi cùng mẹ.
Mẹ hay kể cho mình và em trai nghe về những câu chuyện ngày xưa của mẹ. Cái thời mà muối dùng để ăn với cơm, còn cơm thì độn sắn và bo bo vì gạo sẽ không đủ nấu cho cả nhà. Mẹ là chị hai của 4 dì cậu sau mẹ, nên hàng ngày mẹ sẽ dậy thật sớm để dọn dẹp nhà cửa, rồi đi bộ qua mấy ngọn đồi trong nhiều tiếng đồng hồ để đến trường học khi trời còn nhá nhem tối, qua nhiều khu đất mà cỏ cây xen lẫn nghĩa địa, không có bóng người, vì ngày xưa dân cư ở quê mình còn thưa thớt lắm chứ không như bây giờ. Khi mẹ đến nơi thì có khi đã trễ học vài tiết rồi, vì nhà ở xa trường quá. Đó là trong những ngày bình thường. Vào mùa lũ, mẹ đội mưa đi học, và có vài lần suýt bị lũ cuốn trôi đi mất. Buổi trưa đi học về tới nhà thì có khi đã sang buổi chiều luôn rồi. Cơm trong nồi sẽ không đủ để lót dạ sau vài tiếng đồng hồ đi bộ giữa trời nắng chang chang. Ngoài giờ học, mẹ sẽ làm đồng cùng ông bà. Lúc sắp sửa bắt đầu năm học, mẹ sẽ chặt lá chuối trong mảnh vườn của ông ngoại, rồi vác lá chuối ra chợ bán, lấy tiền mua quần áo mới để mặc cho năm học mới. Mẹ ôn thi tốt nghiệp phổ thông trên lưng trâu, và rồi ra thành phố đi học.
Ba và mẹ mình lớn lên ở cùng một miền núi non xa lắc. Ba mình thì ít kể cho mình nghe về hồi còn nhỏ hơn, nhưng mình cũng biết được kha khá một phần tuổi thơ của ba khi đọc trộm nhật ký của ba thời còn đi học, với những “bánh xe lịch sử” – là những củ sắn ăn thay cơm trong những ngày gian khó. Cứ như vậy, sau những ngày dài đi bộ đường trường đến lớp, ba mẹ đã ra thành phố, học lên đại học. Ba mẹ tiếp tục mang con chữ đến cho mọi người và những đứa trẻ bằng công việc mà ba mẹ đang làm trong suốt phần đời của mình sau đó, qua những tiết dạy của mẹ ở trường, và qua những cuốn sách mà ba góp phần biên tập, hoặc là viết từ đầu đến cuối.
Những quãng đường dài đi bộ ngày xưa đã được rút ngắn lại, vì bây giờ đã có xe máy hoặc ô tô để di chuyển trong những lần mình về quê. Những ngọn đồi vắng vẻ cũng đã được thay bằng những khu dân cư mới thật khang trang. Nhưng những ngày đi bộ đến trường có lẽ vẫn còn sâu trong ký ức của ba mẹ. Khi mẹ kể lại chuyện ngày xưa cho mình nghe mỗi lần đi ngang qua những ngọn đồi này, mẹ kể bằng một giọng vui vẻ xen lẫn tự hào. Giọng kể của mẹ luôn tràn đầy sự lạc quan, và đứa trẻ vô tư là mình đã không cảm nhận được nỗi buồn và gian khó trong những câu chuyện ấy. Hồi nhỏ, khi nghe mẹ kể chuyện ăn cơm với muối, mình hỏi lại mẹ: “Muối để ăn với ổi chứ mẹ?”. Mẹ chỉ nhìn mình rồi cười và không nói gì.
Cho đến một ngày cách đây 5 năm, mình đi du lịch Hà Giang vài ngày. Tour bắt đầu di chuyển khoảng tầm 4h30 sáng để mọi người kịp lên săn mây ở cổng trời nào đó lúc bình minh. Buổi sáng hôm ấy lạnh vô cùng, mình mặc đến 3 cái áo mà vẫn phải choàng thêm khăn quàng cổ. Xe di chuyển được một quãng đường dài rồi mà trời vẫn còn tối đen như mực, sương hầu như phủ kín đường đi. Đèn pha của ô tô rọi phía trước, chiếu lên những làn sương, vài tán cây và con đường nhỏ quanh co trước mặt. Tình cờ trên đường đi, mình thấy một bé gái nhỏ xíu đang đi bộ trên đường, dáng người gầy gò và bé chỉ mặc một chiếc áo mỏng dính. Bé ôm một vài quyển sách quyển vở trước bụng, và đi từ từ trong đêm. Trường học của em sẽ ở đâu đó ở một nơi xa tít tắp trước mặt. Thấy đèn xe nên bé né qua một chút để xe chạy. Xe đi qua em, và mình ngoái đầu quay lại nhìn em. Tự dưng nước mắt dâng lên trong khóe mắt mình. Đây là mẹ mình mà?
Trên chuyến xe mình đi hôm ấy, hầu như ai cũng còn ngủ gật vì xe di chuyển quá sớm. Vậy mà em bé ấy không biết đã đi bộ bao lâu rồi trên đoạn đường dốc này. Trời thì lạnh, và em đi một mình. Ngồi trên xe, mình hình dung lại những quãng đường mẹ đã từng đi qua hàng ngày khi còn nhỏ, để đến trường học. Mẹ nói là hồi nhỏ mẹ rất thích đi học. Việc đi học như là một ánh sáng trong cuộc đời mẹ khi đó. Và thật may mắn cho mình, khi mẹ đã theo đuổi tới cùng. Mẹ đã không bỏ học khi người lớn khuyên mẹ nghỉ học hết lần này tới lần khác, chỉ vì mẹ là con gái trong nhà. Và mẹ đã không nghỉ học vào lúc cấp 3 để lấy chồng, như bạn bè xung quanh ở cùng quê, mà tiếp tục học lên để ra thành phố tìm việc. Thật may mắn cho mình, vì với những lựa chọn của mẹ, mình đã được sinh ra ở thành phố, và sau đó được đi học một cách dễ dàng hơn, trường học gần nhà hơn và khang trang hơn, được bảo vệ nhiều hơn khi ba mẹ đưa đón hàng ngày.
Nếu em gái nhỏ bé ở Hà Giang tiếp tục theo đuổi đến cùng việc học, và không nghỉ ngang để lấy chồng vào năm 13 14 tuổi, thì biết đâu con gái của em bé ấy cũng sẽ có một cuộc đời tốt đẹp hơn, như mình?
Việc học quá nhiều sẽ gây ra một gánh nặng và sự trì trệ cho những đứa bé ở thành phố. Nhưng, việc được đi học đối với một đứa bé miền núi có thể sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời của nó.
Kể từ chuyến đi lên Hà Giang năm ấy, mình thường tìm đến và đóng góp một phần nhỏ vào các tổ chức từ thiện liên quan đến các trường miền núi. Ban đầu là ở Quảng Nam, và sau đó là các tỉnh khác chủ yếu ở miền Bắc và Tây Nguyên. Thu nhập của designer cũng chẳng là bao, nhưng nhiều đứa designer như mình góp lại thì có thể xây dựng được một ngôi trường khang trang hơn cho các em thay cho những lớp học vách đất. Hoặc là quần áo, giày dép, cặp sách để các em đến trường một cách thuận lợi hơn. Gần đây, mình tìm thấy chương trình Nuôi Em qua bài chia sẻ của một chị học cùng trường cấp 3. Chương trình này bao gồm việc đóng một khoản tiền cố định để giúp các em bé ở các trường nội trú vùng xa có được “bữa cơm có thịt”, thay vì chỉ ăn cơm không, trong cả một năm học. Tham gia chương trình, mình được gắn mã số với một em bé cụ thể, và hàng tháng được cập nhật tình hình của em bằng hình ảnh và video qua Facebook của trường lớp nơi em đang học. Hàng năm vào mùa nắng, chương trình sẽ khuyến khích người tham gia trực tiếp lên thăm “em nuôi” của mình. Mình đang chờ em Kem lớn hơn một chút để đi cùng ba mẹ lên thăm các anh chị và quan sát trường lớp, cuộc sống của các anh chị, để thấy rằng con đang đầy đủ và hạnh phúc biết nhường nào.
Nói thành thật thì, chi phí để hỗ trợ một em bé miền núi trong cả một năm học nhiều khi còn ít hơn tiền ăn ở trường mẫu giáo của một em bé khác trong một tháng ở thành phố. Vậy tại sao lại không làm? Mình tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục. Việc biết được con chữ, biết được điều này điều kia có thể sẽ thay đổi được cuộc đời của một con người. Việc được ăn uống tốt hơn sẽ giúp các em bớt động lực để bỏ học hơn. Và con mình sẽ lớn lên đồng thời với những em bé khác ở một nơi xa xôi nào đó, được đi học. Và tiếp nối sau đó, cuộc đời của con cháu thế hệ sau của chúng ta nhìn chung cũng sẽ tốt hơn mỗi ngày một chút.
Việc từ thiện sẽ đi tới đâu? Mình biết rằng mình đang nhìn cuộc sống với một lăng kính màu hồng. Và việc từ thiện có thể nó sẽ đi vào đâu đó ở một nơi không cần thiết, những gì mình cho đi có thể sẽ không tới thẳng nơi nó cần đến mà đi đâu đó loanh quanh. Nhưng, mình có thể giữ niềm tin một chút vào những gì mình đã tin tưởng nhiều năm qua, và hy vọng là mình tin đúng chỗ. Mình không thể kiểm soát được bất cứ thứ gì diễn ra xung quanh mình đâu, vì thứ duy nhất mình làm chủ được chính là suy nghĩ của mình.
Quê nội ngoại mình hôm nay đã tốt hơn xưa rất nhiều. Những ngôi nhà khang trang đã mọc lên, trước vài ngôi nhà lại thấy một chiếc ô tô đậu trong sân, bên cạnh những cánh đồng lúa. Các dì cậu ngày xưa tiếp bước mẹ mình, đã đi học và làm việc, để rồi sau đó quay lại xây cho ông bà một ngôi nhà thật đẹp bên cạnh nơi từng là ngôi nhà vách đất, và ghé về nhà mỗi cuối tuần cuối tháng. Khoảng sân nhỏ ríu rít tiếng nói cười của những đứa cháu nhỏ, là mấy đứa em họ của mình. Và nụ cười của ông bà khi ngắm đàn con cháu quanh mình. Ngôi nhà nhỏ nhìn xa xa ra ngọn núi, giờ đây tràn đầy hạnh phúc trong ánh mắt của cả nhà.
Hít thở thật sâu và mở mắt ra, mình vẫn đang đứng trên đỉnh ngọn núi Sơn Trà, bên cạnh thành phố mà mình đang sinh sống nhiều năm qua. Không khí trên cao thật trong lành và thành phố phía dưới thì ngày càng phát triển. Cuộc đời sẽ xoay chuyển theo hướng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, miễn là mình vẫn nghĩ về những điều tốt đẹp. Cảm ơn ba mẹ ngày xưa vì đã nỗ lực trên đường đi học ngày xưa, để con có được xuất phát điểm tốt đẹp và hạnh phúc như ngày hôm nay. Và cuộc đời là một sự tiếp nối. Con cũng sẽ cố gắng là xuất phát điểm tốt đẹp cho con cháu của con về sau. Để cuộc sống của những đứa bé sau này ngày càng tốt hơn nữa.