Từ lúc cho con đi học, mỗi buổi chiều đón con về, hai đứa mình đều hỏi con: “Hôm nay con đi học có vui không?”. Con đi học được chẳng mấy chốc đã gần tròn 1 năm rồi, và mỗi ngày đi học của con kết thúc bằng một nụ cười khi con được nghe câu hỏi này.
Thằng nhóc con 3 tuổi nhà mình là một đứa bé rất vui vẻ, hoạt bát và hiểu chuyện. Buổi sáng ngủ dậy, mắt chưa mở là con đã mỉm cười rồi. Và con cười đùa chạy nhảy suốt cả ngày cho đến tối khuya, đến tận lúc ba mẹ năn nỉ con ngủ thành công, con vẫn vui vẻ. Năng lượng của con có thể nói là bằng 4, 5 đứa bé cộng lại.
Tầm 3, 4 tháng tuổi, con đã biết với tay chỉ mẹ đi hướng này, hướng kia khi mẹ bồng con đi dạo quanh nhà. Và sau này là hướng mẹ theo hướng con muốn đi quanh xóm, quanh quán cà phê, hoặc địa điểm lạ nào đó con mới phát hiện ra và rất mong mỏi khám phá hết. Con sẽ chỉ trỏ, hỏi mẹ cái này cái kia bằng ngôn ngữ em bé của con, và cười đồng ý khi mẹ trả lời. Và chắc chắn con sẽ không chịu ngồi yên khi tới chỗ lạ.
Con học mọi lúc mọi nơi, bằng sự tò mò và hồn nhiên của một đứa bé vừa mới tiếp xúc với mọi điều, và mọi vật mọi việc đều quá đỗi lạ lẫm trên cuộc đời của con. Kể cả những điều bình thường nhất của mình cũng là một thế giới thật mới mẻ với con. Như chiếc lá non trên cây, hay ông mặt trăng ở trên trời. Hay là những làn gió ùa qua khi con dùng hết sức đẩy cửa mở ra để nói chuyện với bạn chim sẻ vô tình đi lạc vào góc hiên, lúc con chập chững biết đi.

Vì con ham học hỏi, nên trong 1 năm rưỡi đầu đời của con, mình chỉ làm việc một cách cầm chừng đủ để lo bỉm sữa cho con thôi, và tập trung vào dạy con một cách thực sự. Thời gian khi đó của mình đổi thành thời gian được học của con. Học cách tự ăn, học vận động chạy nhảy, ngắm nhìn thế giới. Học nói tiếng Việt và tiếng Anh qua ngôn ngữ và lời hát. Học cách yêu thương ba mẹ, ông bà, bạn bè và mọi người xung quanh. Mình cho con đọc ehon, đọc sách tiếng Việt và bật audio để con tắm ngôn ngữ tiếng Anh từ hồi 2 tháng tuổi. Mình vốn là một đứa không ai cạy miệng ra nói chuyện được, nhưng thời gian đó mình đã rất nỗ lực kiếm chuyện ra để nói với con, chỉ cho con cái này cái kia, con gà con cá cây hoa hồng cây cau, tại sao con này bơi còn con kia chạy, để con học được nhiều về thế giới xung quanh. Đến chồng mình đoạn đó nhiều khi còn bật cười, khi thấy mẹ huyên thuyên còn thằng con thì ớ ớ trả lời mẹ vì chưa biết nói từ nào.
Não bộ con người phát triển đến 80% các liên kết tế bào quan trọng trong 3 năm đầu đời. Tức là nếu bạn bỏ qua việc cho con học trong 3 năm này, thì việc học của con trong 97 năm tiếp theo chỉ góp ích cho 20% còn lại của bộ não của con thôi. Việc dạy con giống như trồng một cây tre, rễ tre dài ra đâm sâu xuống lòng đất. Năm 1, năm 2, năm 3, năm 4, chẳng ai thấy cây tre ở đâu. Cho tới năm thứ 5, cây tre sẽ lớn vụt lên chỉ trong vòng vài tuần và cao mười mấy mét. Giống như lúc con bật nói những từ ngữ phức tạp không biết ở đâu ra từ hồi 11 tháng tuổi.
Bên cạnh việc ham học hỏi, thằng nhóc con nhà mình thực sự là có tố chất của một vận động viên. Con chạy nhanh bằng với tốc độ của người lớn. Thời gian trường lớp còn chưa mở cửa trở lại, và cả thành phố giãn cách, các khu vui chơi trẻ em đóng cửa, mỗi buổi tối, hai đứa mình thường chở con ra sân vận động đĩa bay ở gần nhà để con chạy 2 3 vòng quanh đó. Ba mẹ là người lớn mà đi theo con còn mỏi chân. Vậy mà thằng nhóc con 1 tuổi thì chạy nhảy đủ mệt mới chịu ngủ sớm.
Cho nên, khi trường học mở cửa trở lại, và con cũng đã gần 2 tuổi, tụi mình bắt đầu tìm trường cho con, với tiêu chí đầu tiên là trường đủ rộng để con chạy nhảy thỏa thích. Sau khi đi quanh thành phố tìm trường, hai đứa quyết định chọn một trường khá xa, cách nhà mình khoảng 20 phút đi xe, nhưng các lớp học và sân trường rất rộng, và tràn ngập ánh nắng tự nhiên quanh trường. Có rất nhiều sự lựa chọn gần nhà hơn vì thực ra có những lớp mầm non chỉ cách nhà mình khoảng 2, 3 phút đi bộ, nhưng mình không chắc những nơi này sẽ phù hợp với con. Trong thời khóa biểu hàng ngày, mỗi ngày con sẽ có thời gian ngồi tĩnh lặng với cô và các bạn, đồng thời ra sân chơi ngoài trời tham gia các môn vận động mỗi ngày hai lần. Con sẽ học cách để ngồi yên tập trung nhiều hơn vào giờ học giáo cụ và thiền tập, cũng như vận động đủ mệt để không bị dư năng lượng cuối ngày.
Mỗi buổi chiều đi đón con cũng là thời gian nghỉ ngơi một chút sau giờ làm việc của mình. Mình có thể ngồi xích đu ngắm mặt trời lặn, trong lúc thằng nhóc con đang chơi ở bãi cát trong sân trường. Trường sát cạnh một vườn rau với rất nhiều rau lang, rau muống và hoa cúc vạn thọ. Thi thoảng, mình sẽ với tay qua hàng rào để hái hoa xuyến chi và hoa cải đưa cho con, để con chơi trò trồng cây trên cát. Chắc phụ huynh trường này cũng tương tự hai đứa mình, nên mình sẽ thường thấy cảnh ba mẹ cùng dắt tay một đứa bé con đến lớp, còn đứa bé thì cười toe toét. Còn buổi chiều, sân trường sẽ tràn ngập các bé và các phụ huynh ngồi chơi trong sân trường trước khi về nhà.

Trường không có ứng dụng để xem camera lớp học trên điện thoại phụ huynh, nhưng trường có một sảnh tiếp phụ huynh khá rộng và đẹp, với tủ lớn bao gồm các cuốn sách về chủ đề thiền, dạy con, tự doanh, lối sống. Phụ huynh ở trường này có thể ngồi hàng giờ ở sảnh này để xem camera lớp học của con trên màn hình tivi to bự nếu có nhu cầu. Mỗi sáng đưa con đi học, đi ngang qua sảnh, mình đều thấy những gương mặt quen thuộc đang ngồi xem camera xem con ăn uống học hành như thế nào. Mình có cảm giác phụ huynh trường này thực sự gửi con đi học để con được dạy, chứ không phải vì quá bận rộn và không có thời gian trông con.
Các cô giáo ở trường rất yêu thương con. Thi thoảng có việc đi ngang qua trường, tụi mình sẽ ngồi lại một chút để xem camera, và nhìn các cô dạy con với nụ cười trên môi. Các cô sẽ ôm con vào lòng, lâu lâu lại xoa đầu con hoặc thơm má con rồi ngồi học cùng con tiếp. Thực sự, các cô phải có một năng lượng vàng và một tinh thần thép vì có thể cười đùa với các con từ sáng tới chiều, nhìn các con chạy lăng xăng và quậy đủ kiểu mà không hề nổi cáu.
Trường cũng hợp với thằng nhóc con ở một điểm nữa, đó là hình thức phạt khi các con không ngoan. Các cô sẽ không đánh mắng con, mà sáng tạo ra một “góc tĩnh lặng” – một vài cái ghế ở góc lớp, nơi bé nào quá hiếu động sẽ được tách ra để ngồi yên suy nghĩ lại một chút. Góc này chắc chỉ tĩnh lặng được khi có một bé. Còn khi có hai, ba bé ngồi cùng lúc, góc tĩnh lặng sẽ biến thành góc tám chuyện rôm rả của các bé con. Và lâu lâu lúc mình đi đón con, thằng nhóc con mình sẽ chạy ra cười toe toét từ góc tĩnh lặng này ra cửa lớp khi nhìn thấy mình, và hớn hở trả lời rõ to là “Con bị phạt!” kèm theo nụ cười toe toét khi mẹ hỏi: “Sao ngồi ghế đó con?”.

Điểm trừ duy nhất của trường, là các bé thường được đón quá sớm. Có vẻ như phụ huynh sẽ đón con vào lúc giáo trình trong ngày kết thúc, và trước khi con bắt đầu giờ chơi tự do không học nữa. Nếu chiều nào quá nhiều việc và mình đến đón con tầm 5h kém thì lớp chỉ còn 3, 4 bé thôi. Thành ra, thường buổi chiều tụi mình sẽ ngắt công việc vào 4h, để đến đón con lúc lớp còn đông, và con đỡ ngóng ba mẹ hơn.
Nhờ vậy mà chiều nào mình cũng đến trường con đủ sớm để ngắm hoàng hôn. Tất nhiên, việc đón con sớm cũng đồng nghĩa với việc hàng ngày mình cần dậy sớm hơn, để có đủ thời gian xử lý mọi việc trong ngày. Nhưng cũng không sao, việc ngắt công việc thành nhiều phần trong ngày giúp cho mọi thứ luôn ở trạng thái cân bằng, không quá căng thẳng.
Chắc thằng nhóc con cũng hài lòng, nên mỗi buổi chiều khi mình hỏi: “Hôm nay con đi học có vui không?”, thì con sẽ trả lời rõ to: “Dạ vui!”. Hết giờ học, con sẽ ở trường chơi đến khi bụng đói meo mới về nhà. Tụi mình không cần phải tìm khoảng không gian rộng nào đó như công viên hoặc sân vận động để con vận động xả năng lượng hàng ngày nữa. Lâu lâu, cuối tuần, con đòi lên trường chơi vì chơi đồ chơi trong tuần chưa đủ.
Con không chỉ học kiến thức mới và kỹ năng vận động, mà còn được học kỹ năng lặt rau, dọn đồ chơi, quét nhà, lau bàn ghế giúp ba mẹ. Con biết trái khổ qua “đắng lắm không ăn được đâu mẹ” dù mẹ chưa cho ăn bao giờ. Con còn giúp cô giáo bưng khay cơm ra bàn và đi cất sau khi ăn xong, hoặc bưng giường đi cất sau giờ ngủ. Cái quan trọng nhất là ở đoạn này con đã biết tự đi tè và dần bỏ bỉm rồi, căn nhà cũng thơm tho hơn hẳn.
Chắc con được di truyền tinh thần hiếu thắng từ đâu đó, nên con hay là đứa đầu tiên phát biểu trả lời khi cô hỏi bài. Mỗi ngày con học giỏi, con sẽ được cô thưởng cho nhiều sticker dán lên áo, đặc biệt vào những ngày học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Các cô cũng khen con rất nhiều vì con hiểu chuyện nhiều hơn chúng bạn.
Vậy chứ, khi được hỏi “Hôm nay con đi học có vui không, thỉnh thoảng con cũng trả lời: “Dạ không”. Đó là khi con đạt được sticker học giỏi, nhưng lại bị bạn lấy mất mà không lấy lại được, vì bạn cao to quá. Hoặc là những ngày con thấy giờ học quá buồn chán, nên nằm lăn ra sàn chơi thay vì ngồi nghe cô giảng bài. Hay khi con bị cô giáo cho ra ngồi “ghế tĩnh lặng” ở góc lớp vì khều bạn nói chuyện riêng liên tục. Hay là khi con giành đồ chơi của bạn và làm bạn khóc.

Những lúc như vậy, mình sẽ nói với con: “Không sao đâu con. Nếu con thấy chán thì con không học cũng được, cứ đi ra lấy đồ chơi thôi. Con ngủ sớm thì sẽ cao to hơn bạn. Nếu con thấy quá chán thì cứ nói chuyện với bạn. Nếu bạn chơi với con thì con chơi với bạn, không đánh bạn trước. Còn nếu bạn đánh con hoặc lấy đồ của con thì cứ méc cô và đánh lại bạn.”.
Thằng nhóc con chắc nghe cũng hợp lý nên sẽ gật gù đồng ý, rồi rủ mẹ chơi lego.
Nghe thì thấy hơi nuông chiều con đó, nhưng mình không thể khuyên con ngồi nghiêm túc khi bản thân cũng vẽ bậy đầy bàn học vì quá chán hồi học cấp 2, hoặc là ngủ trên lớp trên giảng đường đại học trong các lớp của các “tiến sĩ gây mê”. Thời gian đi học trên trường vui vẻ nhất của mình là thời mẫu giáo và tiểu học, và khi lớn hơn và cố gắng học nhiều hơn vì con điểm chứ không còn vô tư nữa, thì việc học bớt vui. Lên cấp 3 thì hoàn toàn không vui hẳn, dù năm đó mình vẫn nằm trong mấy đứa top đầu lớp. Mấy năm đó mình học một cách đối phó và nhồi nhét để điểm đủ cao, cho ba mẹ yên tâm và không phản đối việc mình học tin học và tham gia các cuộc thi phần mềm sáng tạo. Nếu ngày ấy dũng cảm hơn, có lẽ mình sẽ nói thẳng với ba mẹ là con muốn học trên lớp chỉ đủ để lên lớp là được rồi, và việc học tin học có ý nghĩa nhiều hơn trong cuộc sống của con. Mình tin rằng nếu trung thực với bản thân và với những người thân nhất vào ngày ấy, mình đã không cần phải cố gắng quá nhiều và không vui vẻ với việc học.
Thi thoảng, mình có nhớ lại những thứ mình học năm cấp 3, và thấy kiến thức ngày ấy vẫn rất hữu ích. Chỉ là trải nghiệm lúc đó không hạnh phúc nên mình không muốn giữ trong đầu thôi. Nếu ngày đó ít chạy theo thành tích hơn, mình sẽ vui vẻ với thầy cô và bạn bè hơn vì may mắn là mình được học với những người thầy và người bạn rất tuyệt vời.
Năm cấp 3 còn ở trường chuyên ấy, đỉnh điểm mình cảm nhận sự vô nghĩa trong việc cố gắng chạy đua vì con điểm, là vào học kỳ 1 năm lớp 12. Khi đó, mình bỏ hẳn việc học trên trường vài tháng đến tận lúc thi học kỳ mới đi học lại, để tập trung hoàn toàn cho việc chuẩn bị dự thi và rồi đạt một giải quốc gia, đem giải về trường. Học kỳ đó mình không có chữ nào trong đầu, nhưng có nhiều thầy cô áp dụng “chế độ học sinh quốc gia” cho mình, và cho mình điểm ngang với đứa điểm cao nhất lớp. Lúc đó mình nhìn lại 2 năm học trước và chẳng thấy có ý nghĩa gì. Lúc mình học sống học chết thì đứng thứ 2 trong lớp (vị trí số 1 mặc định sẽ dành cho bạn nằm trong đội tuyển quốc gia), còn khi không học gì thì vẫn giữa lớp! Vậy thì thật ra, 2 năm đầu tiên mình chỉ cần không học gì hết và tập trung vào thứ mình thích học thôi, như vậy sẽ hiệu quả và hạnh phúc hơn.
Tốt nghiệp xong, và khi việc học không còn chứng nhận bởi bằng cấp vị thứ nữa, mình trở lại việc tự học với một niềm vui. Đầu tiên là việc tập trung học một bằng tiếng Pháp vì ngôn ngữ Pháp thực sự quá hay và giàu tình yêu. Ví dụ đơn giản, khi mình nói “trời mưa” trong tiếng Việt, thì trong tiếng Pháp, mình sẽ nói là “trời khóc” (il pleut). Vụ này lâu quá nên giờ từ ngữ bay đi đâu hết rồi, nhưng đó thực sự là một trải nghiệm đáng giá.
Kế tiếp, mình học thật nhiều những thứ mà mình muốn học và đã bỏ qua trong quá trình “đi học” ngày trước. Như là vẽ vời, thiết kế đồ họa, đàn, marketing, viết lách, tâm lý học, tôn giáo. Tuy có những môn mình cố gắng lắm mà vẫn không hiểu được người ta đang muốn nói cái gì, ví dụ như khi mình vớ phải cuốn “Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn” của Steven Hawking, vào giai đoạn mà mình rất muốn học và biết thêm về vũ trụ và năng lượng.
Nhưng việc học vô tư và chẳng có ai cần phải cấp cho mình cái bằng chứng nhận việc mình đã hiểu, thực sự rất vui vẻ.
Và mọi thứ dẫn mình tới công việc tự do thiết kế đồ họa như hiện tại. Và mình vẫn đang tự học trong nhiều năm qua, để có thể làm tốt hơn công việc trái ngành mà mình đã lựa chọn. Gần đây thì, mình chọn thêm việc học viết lách như thế này, và mỗi ngày tập viết một chút (chủ yếu là tập viết bớt lan man lạc đề hơn).
Hiện tại, ngôi trường hai đứa mình tìm được cho con đã là một nơi mình nhìn thấy khuôn mặt hạnh phúc của những đứa bé đang theo học rồi. Nhưng, môi trường giáo dục thực sự phù hợp cho con thì mình vẫn chưa tìm thấy, vì với tính cách của con, con sẽ được phát huy một cách tốt nhất ở nơi mà mọi đứa bé được tự do tung tăng chạy nhảy với thiên nhiên xung quanh vào mọi lúc, thích môn nào học môn nấy, không thích học môn nhiều chữ thì chọn môn nhiều hình ảnh để học, cùng các thể loại năng khiếu tự chọn. Ngôi trường cấp 1 mình từng học, Trường tiểu học Bán công Năng khiếu Đà Nẵng, nơi mình rất yêu quý với mô hình học cả văn hóa lẫn năng khiếu, bây giờ đã biến mất rồi, khá là đáng tiếc, nếu không thì chắc đây là lựa chọn số 1 cho con khi con vào tiểu học.
Không có người đúng hay người sai, không có người tốt hay người xấu, chỉ có người hạnh phúc hay người đau khổ. Và việc học cũng như vậy. Những quy chuẩn đánh giá việc học và kỷ luật theo hướng đúng sai tốt xấu sẽ gọt một đứa bé dần dần, để nó đủ ngoan khi ngồi vào chung với tập thể. Nhưng khi nó đứng một mình, nó sẽ không biết phải làm gì, và không hạnh phúc.

Vào thời điểm này, mình vẫn đủ mạnh mẽ để khuyến khích con làm những điều không giống tập thể, và giúp nó học tập một cách vui vẻ hơn. Nhưng không biết trong tương lai, mình có đủ bản lĩnh để chống chọi với các tiêu chuẩn đánh giá giáo dục không khiến cho những đứa bé hạnh phúc như hiện tại không. Mình có thể nhìn thấy viễn cảnh giáo viên sẽ than phiền với mình rất nhiều về chuyện con mình mất tập trung trong lớp. Mình đồng thời cũng sẽ thấy trong lúc đó, con say sưa tự học, tập trung thiết kế xe đồ chơi, đàn piano, đọc sách, học tiếng Anh và công nghệ, những thứ thực sự cần cho con sau này khi mọi thứ đang biến chuyển quá nhanh. Đôi khi, những tiêu chuẩn đánh giá giáo dục nó rất có ý nghĩa cho tập thể, nhưng sẽ không có ý nghĩa với cá nhân con mình. Mình hy vọng là, mình sẽ tìm được một môi trường giáo dục ngày càng tốt hơn cho con, để con đi học với niềm vui.
Mình hy vọng là bản thân sẽ không bao giờ soi điểm con, vì trải nghiệm là “con nhà người ta” của mình thực sự chán phèo, và làm trái với lòng mình. Mình muốn học trên trường ít ít và học mấy thứ không quy đổi ra điểm nhiều hơn.
Hai đứa mình dạo này đang học theo con rất nhiều. Học cách tiếp cận kiến thức mới theo cách học của một đứa trẻ, vô tư, không phán xét, không vì mục đích cụ thể, và chỉ học vì niềm vui. Học làm phim hoạt hình, học dùng AI, học đàn, học về thế giới. Học cách đánh lại những bản nhạc piano xưa cũ mà mình từng đánh được trước khi có con, bỏ lâu ngày lại quên mất. Học cách nhìn thế giới qua một con mắt mới mẻ và vô tư hơn. Để mỉm cười thật vui mới những điều mới học được mỗi ngày.
Và để mỗi ngày đi học là một ngày vui.