[Ngày 7] Sau những ngày con ốm

Mình viết những dòng này vào cái ngày mà con đã chớm khỏi ốm, khi nó bắt đầu cười toe toét và chạy lăng xăng trở lại, sau những ngày ăn sáng xong thì mệt quá nên ngồi ngủ gục trên ghế. Bài viết này được bắt đầu trong một quán cà phê trông con, mô hình quán nước dành riêng cho các ba mẹ có con nhỏ tới ngồi chơi uống nước, trong khi tụi nhỏ vẫn có đồ chơi để chơi. Và phần lớn bài viết hoàn thành ở những ngày tiếp theo, vì chỉ sau 5 phút mình cầm điện thoại viết, là con đã lại rủ mình chơi cùng rồi. “Mẹ ơi, mẹ chơi với con đi”, con rủ rê cùng một đôi mắt tròn xoe long lanh và giọng thỏ thẻ quá dễ thương nên mẹ không thể chối từ.

Quán cà phê thật là náo nhiệt. Tiếng người nói chuyện, tiếng mấy đứa bé bi bô. Tiếng cười khúc khích của mấy đứa bé thật thích thú khi trượt cầu trượt xoắn. Tiếng ném bóng vào tường của mấy bé trai lên màn hình chơi game ném bóng ghi điểm. Sượt ngang qua tầm mắt là một vài bé đang chơi đuổi bắt và cười ngoác miệng, hoặc là bé này dí bé kia vừa chạy vừa khóc, vì mới bị giật mất món đồ chơi yêu thích. Các bé gái thì chơi với nhau yên tĩnh và thùy mị hơn, chia sẻ đồ chơi cùng nhau thiệt là dễ thương. Các bé bồng búp bê lên ru ầu ơ, và đút cho em bé búp bê ăn. Rồi chơi trò chơi khám chữa bệnh cho búp bê, thỏ thẻ trò chuyện cùng nhau. Khung cảnh yên tĩnh dễ thương này sẽ kết thúc khi có đứa bé trai nào đó chạy tới thiệt nhanh giật lấy con búp bê, ném mạnh một cái xuống đất cho vui, rồi bỏ chạy qua khu chơi kiếm xốp và bắn súng bằng chíu, mặc cho bé gái trước đó còn đang trìu mến chăm bẵm con búp bê khóc òa cả lên.

Còn mình thì, mình đang tận hưởng ly trà sữa trong vòng vài phút. Ly trà sữa này được lọc cafein, và thạch trân châu được thay bằng thạch củ năng và thạch vỏ bưởi, vì theo như hướng dẫn trong menu, món trà sữa này an toàn cho trẻ nhỏ. Cái món này khá kỳ cục với mình, nhưng chắc là an toàn thiệt vì tối đó mình không bị mất ngủ như khi uống trà sữa bình thường.  Hai vợ chồng mình chia ra đứa này ngồi uống nước, thì đứa kia đi theo con, vì nó sẽ đi lăng xăng hết tầng 1 đến tầng 2 rồi lại quay trở xuống tầng 1. Và nó chính là đứa giật con búp bê của bé gái khi nãy. Nên bên cạnh khả năng con té rồi khóc, thì có khả năng nhiều hơn là con làm bạn khác khóc. Bình thường tụi mình sẽ để mấy đứa nhỏ tự xử lý với nhau, và làm trọng tài và can thiệp nếu cần thiết khi tụi nó sắp sửa đánh nhau, để ngăn cản một cuộc đại chiến xảy ra.  

Trong tiếng nhạc êm đềm của quán, chợt có tiếng đứa bé nào đó khóc ré lên. Ôi sao nghe giống tiếng con mình vậy nhỉ? À không, con mình nó đang đi từ từ tới đứng trước mặt mình và cười toe toét mẹ ơi mẹ ơi đây nè, không sao hết. Hú hồn thật. Chỉ là giọng bé kia giống con mình quá thôi mà. Cộp. Oaaaa! Ồ, lần này thì đúng là tiếng con mình khóc thật. Bình thường mình sẽ hết sức tập trung để đỡ trước khi con chuẩn bị bị đau, nhưng pha đi thẳng tới đập đầu vào cạnh bàn thiệt mạnh, ở cái tốc độ di chuyển bình thường và không trợt té như thế này thì mình không lường trước được. Những lúc như thế này thì con rất cần một cái ôm, nên chỉ cần ba bồng con lên xoa lưng một chút, là con sẽ vui vẻ lại và đi chơi tiếp với bạn ngựa gỗ. Con nít hay thiệt, khóc đó rồi cười đó, nước mắt còn rơi trên má nhưng miệng thì vẫn cười được. 

Đối lập với khung cảnh đủ khung bậc cảm xúc của các bé, là những khuôn mặt thong thả và bình tĩnh của các bậc phụ huynh đang ngồi uống nước tại bàn. Đâu đó ở góc quán sẽ có hai bà mẹ ngồi nói chuyện với nhau thật vui vẻ. Có nói chuyện được với nhau ít phút trước khi một trong hai đứa con của hai người ré lên, thì vẫn tốt hơn là không nói chuyện với nhau. Dù sao thì sự lựa chọn này vẫn vui vẻ hơn là để nó chạy lăng xăng ở nhà, vì quán cà phê nhìn khá đẹp mắt và phát sáng dưới ánh đèn trang trí và cây thông noel các thể loại. 

Và, chạy theo sau lưng con vẫn tốt hơn là ngồi ôm con thở dài khi nó ngủ gà ngủ gật những ngày con bị ốm. Kem là đứa bé năng động vui vẻ, suốt ngày nói chuyện huyên thuyên và chế ra nhiều trò chơi trên mọi địa hình, và buổi tối con quá vui vẻ nên rất khó ru con ngủ. Cuối tuần thường thì con sẽ bỏ ngủ trưa luôn để xếp lego. Nên chuyện con ngủ gật là một chuyện hết sức bất thường đối với mình. Lần này mình đã quen quen rồi, nên mình ôm con ngủ trong tâm thế là cầu trời ngày mai con khỏe. Chứ như lần trước con ốm, lần đầu tiên thấy con ngủ gật trên ghế sau khi ăn sáng, mình đã hốt hoảng bồng con tới bệnh viện nhi để khám xem con có ổn không, vì con mình chưa bao giờ tự ngủ nếu như không dỗ ngủ. Và như một trò đùa, sáng hôm đó, sau khi bác sĩ phán là con chỉ bị sốt siêu vi và viêm đường hô hấp trên, thì trên đường từ bệnh viện trở về nhà, con khỏe lại, bắt đầu cà khịa và nhảy tưng tưng, và tới buổi chiều thì hết sốt hẳn. Trộm vía. Trộm vía một trăm lần.

Ông bà ngoại Kem lâu quá không gặp Kem. Nên lần này Kem ốm, ông bà qua thăm Kem, mang theo một mớ đồ ăn nấu sẵn cho ba mẹ Kem và đồ để nấu cho Kem trong những ngày tiếp theo nữa.  

Sau đây là cuộc đối thoại giữa bà ngoại Kem và mình:

– Sao dọn nhà hồi nào mà nhà cửa sạch sẽ quá con?

– Dạ mấy bữa ni Kem hắn mệt nên chưa xả đồ chơi, bình thường thì con để hắn xả hết mấy ngày cuối tuần, tới thứ 2 mới dọn nhà.

– Ồ, vậy là lần ni nhờ Kem ốm mà ba mẹ đỡ dọn nhà rồi Kem hì.

– Dạ, mẹ nghe không gian yên tĩnh không? Bình thường ở nhà Kem hắn nói chuyện liên tục, trời lạnh nên con đóng cửa lại nữa, thành ra trong phòng dội tiếng oang oang lên luôn. Nhiều khi hắn đi ngủ rồi, mà giọng nói sang sảng của hắn còn vang trong đầu nữa đó mẹ. Ba hắn hay chọc là giọng tốt quá nên sau ni đăng ký cho hắn làm lớp trưởng, giọng to kiểu ni chắc mấy bạn nghe một lần là sợ luôn.

– Vậy là nhờ Kem ốm mà ba mẹ không những đỡ dọn nhà, mà còn được yên tĩnh mấy ngày rồi con hì.

Kem ngồi nghe mẹ và bà ngoại nói chuyện chăm chú, nhưng không cười hay cà khịa nổi vì quá mệt. Chứ như lúc bình thường mà nghe tới đây, Kem đã phản ứng mạnh mẽ rồi. Bà ngoại Kem nhìn theo hướng lạc quan để cho mình cảm thấy ổn hơn, nhưng mà mình cũng không thấy ổn nổi. Lúc con khỏe giữ nó mệt tay chân vì chạy đua với nó, thì lúc con ốm giữ nó còn mệt hơn, mệt về tinh thần là nhiều. Nhất là trong mùa lạnh như thế này. Trời thì mưa lâm râm dai dẳng, buồn thê lương. Cầu trời cho con đừng ốm.

Kem ốm nên lơ cơm mấy ngày, không hiểu bằng cách nào đó, bà ngoại dỗ cho Kem ăn được nửa tô cơm cá thu. Trong khi đó thì hai đứa mình ăn cơm, một bữa cơm ăn một cách đàng hoàng tử tế sau một vài ngày uể oải. Trên đời này sướng nhất vẫn là làm con. Con có ở tuổi bao nhiêu thì vẫn được ba mẹ chăm. 

Từng khoảnh khắc trong lúc chăm con, mình lại nhớ đến hồi mình còn nhỏ và được ba mẹ cưng như cưng trứng. Ba mẹ hay kể vui chuyện ngày nhỏ, mình rất thích ăn hải sản. Mình ngồi há miệng ra như con chim non, còn ba mẹ ngồi gỡ tôm tít không kịp cho mình ăn. Hồi đó mình ngồi nghe rồi cười thôi chứ chẳng suy nghĩ gì. Đến bây giờ, khi hai vợ chồng mình ngồi gỡ thịt cua để đút cho con ăn, mình mới thấy xót xa vì nhận ra là, ngày đó ba mẹ mình có kịp ăn miếng nào đâu, vì nhường hết phần ăn được cho con rồi. Hay là lúc mình đút cho con ăn và lạy trời cho nó mở miệng chứ không lắc lắc đầu “Không mà” vào mấy ngày nó bị ốm như thế này, trong đầu mình lại có hình ảnh mình hồi còn nhỏ xíu, mẹ mình nách mình từ đầu xóm tới cuối xóm để đút mình ăn cơm, trời xung quanh thì tối mịt. Nếu hồi đó có suy nghĩ như giờ, chắc chắn mình sẽ không ngậm cơm để mẹ bớt cực.

Kể từ khi mình biết chữ, ba mình mang về cho mình đọc rất nhiều truyện tranh giáo dục. Hồi 6 tuổi, mình đã đọc hết bộ “Nhị thập tứ hiếu”. Trong một bộ truyện tranh cổ tích khác, có truyện gì đó nói về câu ca dao “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng – Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”, và mình rất là bực bội với mấy nhân vật trong truyện, đồng thời tự hứa với lòng mình là phải luôn đối xử tốt với ba mẹ. Thời gian còn ở nhà, mình là trợ lý nhỏ của ba mẹ trên mọi phương diện, từ soạn giáo án, biên tập bản thảo, dịch thơ, tới nấu cơm, dạy em học bài, giặt quần áo. Mình đi lấy chồng, rồi thì có nhóc Kem, quỹ thời gian để chăm sóc và giúp đỡ ba mẹ ngày càng ít dần đi. Và việc chăm nhóc Kem cũng làm mình nhận ra nhiều khía cạnh khác của tình yêu thương mà ba mẹ dành cho con. Dù có cố gắng bao nhiêu, con cái cũng không thể nào bù đắp cho đủ được mọi sự chăm sóc và hy sinh mà ba mẹ đã dành cho mình. Thôi thì nước mắt chảy xuống. Và ở đoạn đường tiếp theo này, tự mình sống tốt và chăm sóc cho con mình tốt cũng là một nỗ lực để không uổng công những cố gắng ba mẹ đã dành cho mình ngày trước rồi.

Có lẽ ba thấy mình quá quẩn quanh với việc chăm con và làm việc kiếm tiền, nên đã nhắn tin động viên mình tiếp tục viết và vẽ gì cũng được. Quan trọng là hãy làm đi. Lúc đọc được tin ba nhắn, mình khá là bực bội vì thằng nhóc con đang khóc nhề nhệ, ôm cổ mình vì nó còn khó chịu trong người. Nhà cửa thì dơ sau một vài ngày con khỏe lại và bắt đầu giăng đồ chơi, và đủ cả các thể loại nồi niêu xoong chảo, và các thể loại hộp nhựa mà con lôi từ trong tủ bếp ra để chơi trò “pha cà phê cho mẹ uống”. Còn mình mỏi từ lưng xuống tới bàn chân sau khi dí chạy theo con mệt nghỉ ở quán cà phê giữ con.  

10h tối, ru con ngủ xong rồi, mình mới bình tĩnh lại và thấy hơi có lỗi vì ba cũng muốn tốt cho mình thôi mà. Khi không muốn làm điều gì đó, người ta tìm lý do. Còn khi muốn, người ta sẽ tìm cách. Nuôi con chính là một giai đoạn thử thách cho ý chí của các ông bố bà mẹ. Phép thử ở đây là, ba mẹ có từ bỏ các kế hoạch đang làm dở sau những khoảng thời gian ngắt quãng dành cho con hay không. Tuổi ba mươi của mình sẽ không quay lại, tuổi lên ba của con cũng không quay lại. Tuổi ba mươi của mẹ, mẹ sẽ tập trung sáng tạo hơn và làm gì đó có ý nghĩa hơn. Và tuổi lên ba của con, con sẽ tập trung sống khỏe mạnh, vui chơi chạy nhảy và ăn uống ngon lành mỗi ngày, con nhé. 

Kế hoạch đọc sách mỗi ngày nửa tiếng mấy hôm nay cũng bị bỏ ngỏ. May mà có Fonos, nên mỗi ngày mình vẫn nghe sách nửa tiếng trong lúc rửa chén. Hãy giữ vững tình yêu sách của mình, vì mình còn cần giữ ngọn lửa này để sau này truyền lại cho con.

Sau những thử nghiệm thất bại thì mình rút ra một cục kinh nghiệm chăm con ốm như sau: con mình không bao giờ ăn cháo kể cả lúc ốm, nên tốt nhất là đừng nấu cháo cho nó, và cứ cho nó ăn những gì nó thích, và ngủ khi nó muốn. Cho dù sách hướng dẫn nói là nên cho bé ăn những món dễ tiêu, nhưng nó không chịu ăn thì cũng đành chịu. Thôi thì cho bé ăn bánh mỳ, nui, mỳ xíu, trứng cút, kẹo là những món bé thích, có ít ít cũng còn hơn không. Có khó tiêu thì vô bụng được cũng còn đỡ hơn là không ăn gì. Và hãy giữ bình tĩnh cho tới lúc con khỏe trở lại. Đừng có tấp mấy món sữa công thức bổ dưỡng để bù chất cho nó vì chắc chắn nó sẽ bị tiêu chảy, công đút ăn cho nó từng muỗng sẽ tan thành mây khói.

Đứa con đầu lòng tuy mang lại nhiều gián đoạn và bỡ ngỡ cho cha mẹ, nhưng cũng là nguồn cảm hứng mới mẻ và tràn đầy tình yêu thương. Mấy hôm nay gần tới Noel rồi, có lẽ trên lớp con trai được học rất nhiều bài về ông già Noel, chú tuần lộc và tặng quà. Nên tối qua, tự dưng mình thấy nhóc Kem kiếm 1 cái bao, gom hết đồ chơi con ưa thích, từ lego đến xe xúc cát, rồi bỏ hết vào bao. Sau khi bỏ đầy một bao, thì con lại bên ba thỏ thẻ: “Ba ơi, con là ông già Noel nè. Con tặng quà Noel cho ba đây.”. Cưng hết biết. Mẹ đang mệt cũng thấy tỉnh ngủ. Tặng quà cho ba xong, con lọ mọ chế các thể loại xe tải đầu kéo gì đó từ bộ lego của con, với ý định: “Kem sẽ tặng quà cho ông già Noel nè mẹ.”. Wow, ý tưởng này mẹ chưa bao giờ nghĩ ra đó Kem. Có bao nhiêu đứa bé 2 tuổi sẽ tặng quà cho ba, hay cho ông già Noel ngay cả trước khi được nhận quà? Và bao nhiêu đứa bé nghĩ đến chuyện tặng quà lại cho ông già chuyên tặng quà cho các bé khác? Từng câu nói của con tạo động lực cho mẹ viết tiếp những điều mới mẻ. Nếu mình có viết và vẽ tiếp, thì sự động viên thành lời đến từ ông ngoại, và cảm hứng bằng lời là đến từ con.

Cảm thấy thật biết ơn vì chồng luôn bên mình và cùng mình chăm con mỗi lúc con ốm, cũng như ru con ngủ mỗi ngày lúc con khỏe. Người bạn thật sự là người sẽ bên cạnh bạn những lúc bạn khó khăn nhất (a friend in need is a friend indeed). Hai đứa cùng cố gắng chăm con, và cùng làm việc trong những ngày con nghỉ ốm, vì dù sao thì công việc cũng không thể bị ngắt quãng trong những ngày con nghỉ học. Và khi con đi học rồi, hai đứa sẽ có nhiều thời gian hơn cho những kế hoạch riêng mang tính ước mơ của mình, trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi khi con ở trường. Để khi con tan học, hai đứa có thể cười và nói chuyện với con bằng tình yêu thương, trong trọn vẹn phần còn lại của một ngày.

Mình đang cố gắng viết bài này xong trong buổi sáng hôm nay, vì đã nhiều ngày qua mình không tập trung làm gì cho ra hồn rồi. Sống hết mình cho hiện tại, vì biết ra sao ngày sau? Đã có những ngày, đầu giờ sáng mình chở con đến trường, thì đến gần trưa, cô giáo gọi điện gọi tụi mình lên trường để đón con về vì con ốm. Cho nên, một lần nữa, cầu trời để con luôn khỏe mạnh.

Quan trọng là, trong lúc này đây, mình vẫn đang cố gắng làm những gì muốn làm. Và không từ bỏ. Để cho ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s